Một trong số đó chính là mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, tập trung vào việc nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cũng như kêu gọi cần thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Trong tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh hôm 21/9 (giờ địa phương) tại TP Wilmington, bang Delaware (Mỹ), Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề cập đến các sáng kiến mới cũng như các sáng kiến đang được triển khai trong các lĩnh vực từ an ninh và cơ sở hạ tầng hàng hải đến ứng phó thảm họa thiên nhiên và các công nghệ mới nổi. Nổi bật trong số này là kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, bắt đầu từ năm 2025, cũng như mở rộng chương trình đào tạo cho các quốc gia khác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển, và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cuộc tập trận đầu tiên của các lực lượng bảo vệ bờ biển của nhóm Bộ tứ sẽ do Mỹ chỉ huy. Giới chuyên gia nhận định, qua việc hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, các quốc gia Bộ tứ không chỉ tăng cường an ninh cho khu vực mà còn khẳng định cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo nhà phân tích địa chính trị Shashank S. Patel, trên thực tế, hoạt động tuần tra chung đã được lên kế hoạch từ Hội nghị Thượng đỉnh Tokyo năm 2022, nơi các nhà lãnh đạo Bộ tứ giới thiệu sáng kiến "Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về nhận thức lĩnh vực hàng hải" (IPMDA) nhằm nâng cao nhận thức hàng hải trong khu vực thông qua công nghệ, chia sẻ thông tin và hỗ trợ tài chính. Tất cả các bên đã nhất trí thực hiện cam kết trong 5 năm. Tuy nhiên, theo ông, việc triển khai tuần tra chung đã bị trì hoãn trong 2 năm qua và hiện là lúc cần phải được "hồi sinh". Chuyên gia này gợi ý áp dụng các ranh giới biển theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kiên quyết ngăn chặn các hành động khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên biển.
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ cũng nhất trí cho phép chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không và đường biển nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Những lĩnh vực hợp tác khác bao gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mới, mang tên Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN) và các nỗ lực phòng, chống ung thư, dựa trên kinh nghiệm hợp tác trong đại dịch COVID-19. Open RAN là công nghệ được thiết kế để giảm sự phụ thuộc vào các công ty cụ thể và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Bộ tứ cũng kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ bằng cách kết nạp các thành viên thường trực mới từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi sẽ cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, nhận ra nhu cầu cấp thiết phải làm cho tổ chức này mang tính đại diện hơn, toàn diện hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn thông qua việc mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ". Liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, lãnh đạo nhóm Bộ tứ kêu gọi cần thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi nhắc lại nhu cầu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ diễn ra trong bối cảnh ít nhất 2 trong số 4 nhà lãnh đạo của nhóm đều sẽ rời nhiệm sở trong thời gian tới là Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida. Do đó, giới quan sát cho rằng, hội nghị lần này chỉ mang tính hình thức, là nghi lễ để "nói lời tạm biệt" với hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, như nhận định của Tiến sĩ Gaurav Saini - đồng sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi, đồng thời là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, chính trị quốc tế và các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù các tuyên bố của Bộ tứ thường nhấn mạnh đến một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song ngay trong nhóm cũng có những cách diễn giải trật tự dựa trên luật lệ một cách khác nhau, ví dụ "Tầm nhìn của Ấn Độ về trật tự dựa trên luật lệ" khác với phiên bản của Australia và Nhật Bản.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất là việc nhấn mạnh rằng trật tự không những phải "tự do và cởi mở" mà còn phải "công bằng" và "bao trùm". Thực tế là bốn đối tác trong nhóm Bộ tứ đang thể hiện cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề quốc tế nóng, từ xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng Trung Đông tới các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, việc tổ chức hội nghị cho thấy Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu bảo đảm tương lai của cơ chế hợp tác này. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, "mặc dù là nền tảng cho di sản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden, nhưng Bộ tứ đang trở thành một thể chế sẽ tiếp tục định hình bối cảnh địa chính trị của khu vực". Trong khi đó, bà Kathryn Paik - thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - lưu ý rằng, Bộ tứ là một trong những nhóm khá hiếm hoi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Mỹ. Vì vậy, xét từ quan điểm của Washington, mục đích chính của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2024 là để thể chế hóa mô hình hợp tác này hơn nữa, đồng thời trấn an các đối tác khác về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì nhóm.
Chưa hết, quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Mỹ cho thấy quyết tâm của các nhà lãnh đạo Bộ tứ thúc đẩy cơ chế hợp tác này, đồng thời cũng để xoa dịu những người còn hoài nghi cho rằng mỗi thành viên đang theo đuổi lợi ích riêng thay vì thúc đẩy cơ chế chung. Kết quả của hội nghị sẽ là phép thử đối với "độ cứng" của "viên kim cương an ninh dân chủ" này. Tính vững chắc của "Bộ tứ kim cương" chỉ có thể được tăng cường khi các thành viên thể hiện quyết tâm và mục tiêu chung.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bo-tu-chot-nhieu-sang-kien-quan-trong-cua-nhom-i744850/