Bộ trưởng Tài chính: Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước mất công cụ điều tiết

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ điều hành mức tăng giảm giá, nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa Nhà nước không còn công cụ quản lý.

Phát biểu thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã giải trình nhiều lần.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu có nhiệm vụ kiểm soát việc tăng, giảm giá xăng dầu để giảm sốc. Đây là công cụ của cơ quan quản lý Nhà nước, nếu bỏ hẳn quỹ này có nghĩa là Nhà nước không còn công cụ quản lý, công cụ tác động vào giá xăng dầu. Theo đó, định hướng của Nhà nước sẽ kém đối với giá thành của mặt hàng tác động đến mọi người dân này", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

0330ca5e-b0a7-4cc8-aecd-b35f9c2e05f1
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đang tiếp tục đánh giá để quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành, hoạt động có hiệu quả nhất.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua, về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng chưa đảm bảo đúng mục đích.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng, qua theo dõi hoạt động của quỹ này thì ngày 21/6/2022 giá xăng dầu cao đỉnh điểm mà quỹ không tác động gì.

Ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến có nên giữ lại hay không, đây là vấn đề hết sức trăn trở. "Ý kiến cá nhân tôi là có thể giữ, nhưng nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội vào một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá kỹ có cần thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, bình ổn giá so với luật hiện hành hay không. Về Quỹ bình ổn giá, có thể giao Chính phủ quyết định thành lập vì đây là một giải pháp để bình ổn giá.

"Tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền quyết định giá, danh mục các trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, cơ sở căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của Nhà nước, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá, công bố giá, tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai giá, niêm yết giá.... để đảm bảo tính khả thi, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá", Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) để xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Anh Văn / VTC News