Bộ trưởng Quốc phòng Nga-Mỹ "điện đàm nóng" sau vụ UAV rơi tại Biển Đen

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh vụ rơi máy bay không người lái (UAV) giám sát của Mỹ sau khi bị máy bay phản lực Nga chặn lại cho thấy hành vi ngày càng hung hăng của Moscow trong khi Nga cảnh báo Washington rằng việc các UAV Mỹ xuất hiện gần Crime có thể khiến căng thẳng gia tăng.

3
UAV giám sát của Mỹ. Ảnh minh họa Reuters.

Một ngày sau khi UAV của Mỹ lao xuống Biển Đen, các bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy quân sự của Mỹ và Nga đã tổ chức các cuộc điện đàm hiếm hoi trong ngày 15/3, trong bối cảnh quan hệ hai bên ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin rằng sự xuất hiện của các UAV của Mỹ gần bờ biển Crimea “có bản chất khiêu khích” và có thể dẫn đến “sự leo thang căng thẳng ở khu vực Biển Đen”. Nga “không mong muốn động thái như vậy nhưng trong tương lai sẽ đáp trả thích hợp”, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Trong khi đó, phía Mỹ từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cuộc điện đàm – kể cả việc liệu ông Austin có chỉ trích vụ đánh chặn của Nga hay không.

Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai nước nên “hành động với trách nhiệm tối đa”, bao gồm cả việc thiết lập các đường dây liên lạc quân sự.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại quan điểm rằng Mỹ có ý định tiếp tục bay ở nơi luật pháp quốc tế cho phép và yêu cầu máy bay quân sự Nga hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp.

Ông Austin xuất hiện tại cuộc họp báo cùng Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, người đã có cuộc điện đàm riêng với Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga.

Quân đội Mỹ cho biết hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận máy bay không người lái MQ-9 Reaper của họ trong một nhiệm vụ trinh sát trên vùng biển quốc tế của Biển Đen ngày 14/3. Các máy bay chiến đấu đã “làm phiền” và phun nhiên liệu vào máy bay không người lái trước khi một chiếc cắt cánh quạt của máy bay không người lái, khiến nó lao xuống biển. Nga phủ nhận các cáo buộc này.

Vụ việc ngày 14/3 là lần hiếm hoi các tài sản quân sự của Mỹ và Nga “chạm mặt” kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022, đồng thời làm dấy lên quan ngại về căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, trong họp báo, ông Austin vẫn bày tỏ kiềm chế, nhấn mạnh rằng Mỹ “cẩn trọng trước bất kỳ nguy cơ gia tăng căng thẳng nào” và đó là lý do để “duy trì một đường dây nóng” giữa hai nước.

Quan chức quốc phòng hai bên ít giao tiếp, điện đàm từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Tháng 5/2022, hai vị bộ trưởng từng điện đàm, và trong tháng 10/2022, hai quan chức này điện đàm đến 2 lần trong 3 ngày trong bối cảnh mối quan ngại về xung đột gia tăng.

Đáng chú ý, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 15/3 cho biết vụ máy bay không người lái của Mỹ rơi xuống Biển Đen sau khi va chạm với các máy bay chiến đấu của Nga có thể không phải do chủ ý từ phía Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận có hình ảnh về vụ va chạm và bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc liệu có nên công bố ra công chúng hay không.

Duy Tiến / CAND