Bộ GTVT đang xem xét nhiều dự án BOT, trong đó có BOT Đèo Cả, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới để có giải pháp hợp lý.
Tại phiên chất vấn sáng nay, ĐB Nguyễn Văn Chiến, Hà Nội nêu một số dự án BOT thực hiện trước Nghị quyết 437 của UB thường vụ QH, nhà đầu tư thực hiện hợp đồng ký với Bộ GTVT, đã hoàn thành, đưa vào nghiệm thu để hoạt động.
|
|
ĐB Nguyễn Văn Chiến, Hà Nội |
Ông nêu vướng mắc, Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần là không đúng với cam kết đã ký. DN đầu tư kêu Thủ tướng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cùng UBND tỉnh và một số đơn vị hữu quan, thoả thuận giải pháp.
Tuy nhiên, cho đến nay bộ vẫn chưa cho phép thu phí hoàn vốn. DN vẫn phải trả nợ gốc, lãi. Người lao động không công ăn việc làm, rất khó khăn. Trong khi quan điểm của bộ là chưa có phương án để giải quyết vấn đề này.
Dự án BOT hết sức nhạy cảm
Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, những dự án BOT hết sức nhạy cảm. Thời gian qua, một số dự án đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ thủ tục để thu phí. Một số dự án mới cho thu phí một phần như dự án BOT Chợ Mới - Thái Nguyên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu và phương án tài chính.
|
|
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể |
“Với trách nhiệm, chúng tôi thấy rằng, dự án này đã xong rồi nhưng chưa thu phí theo đúng phương án, chỉ thu phí một phần. Chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư, với xã hội. Việc này, Bộ sẽ báo cáo từng trường hợp cụ thể”, Bộ trưởng Thể nói.
Ông cũng cho hay, vừa qua bộ đã có báo cáo tổng hợp chung gửi Thủ tướng về tất cả dự án BOT, trong đó có dừng, giãn 13 dự án, đề xuất một số vấn đề. Tuy nhiên, những đề xuất của Bộ liên quan đến tài chính và tình hình tài chính quốc gia do đó Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu thật kỹ.
“Hiện, chúng tôi đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có dự án BOT Đèo Cả, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và một số dự án khác. Chúng tôi sẽ báo cáo ngành chức năng để có giải pháp hợp lý”, Bộ trưởng GTVT khẳng định về trách nhiệm của mình sẽ cố gắng thực hiện chủ trương này tốt nhất để còn có thể huy động vốn xã hội phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Trước đó, trả lời báo chí ông Lưu Xuân Thủy - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, do buộc phải tuân thủ quy định hiện hành (Thông tư 35/2016) nên từ khi hầm Đèo Cả thu phí từ 3/9/2017 đến nay, nhà đầu tư vẫn phải áp dụng mức phí thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, làm phương án tài chính của dự án không được đảm bảo.
Dự án này thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng và dù đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc nhưng suốt thời gian dài chưa được giải quyết, khiến dự án không đủ nguồn thu để duy trì công tác vận hành hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả và đường dẫn.
Ngày 15/10 vừa qua, công ty này tiếp tục có văn bản đề nghị thống nhất thực hiện thu phí tại trạm thu phí hầm Đèo Cả theo mức giá đã quy định. Nếu không giải quyết được, đơn vị sẽ đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng thực hiện việc tiếp nhận lại hầm Đèo Cả.
Thu Hằng
Báo cáo Thủ tướng về nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân
Việc hầm đường bộ Hải Vân, công trình huyết mạch giao thông của cả nước đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vì thua ... |
Nguy hiểm rình rập trên tuyến tránh BOT Cai Lậy
Nhiều đoạn trên tuyến tránh BOT Cai Lậy bị sụt lún, đường chui dân sinh chưa hoàn thiện, thiếu đèn chiếu sáng và đèn tín ... |
Hàng loạt dự án BOT dính phốt, Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngân hàng khó thu hồi vốn vay
Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cho biết tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm gần 10%, mặt bằng ... |