- Mưa lũ phía Bắc làm 13 người chết, Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị dừng các hoạt động lễ hội
- Thêm nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, hai bộ Công thương - Nông nghiệp nói gì?
- Nông nghiệp là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không nên dùng từ giải cứu nông sản, vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá.
Càng nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá
Chiều 15/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan có giải pháp gì cứu nông sản cho người dân đồng bằng sông Cửu Long khi nông sản đang rớt giá thê thảm.
Đại biểu cũng muốn biết giải pháp cho việc người dân ùn ùn phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng vì giá mặt hàng này đang tăng cao.
Đặt vấn đề làm sao hóa giải lời nguyền được mùa mất giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa, vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá. Ông đề nghị cần tư duy lại chỗ này.
Dẫn chứng ở Vĩnh Long, khoai lang Bình Tân đang được giá nhưng do tranh mua tranh bán giữa thương lái và doanh nghiệp, nên có lúc nông sản bị đẩy giá lên, có lúc bà con bị bỏ lại, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào hình thức hợp tác nào đó thì chúng ta không bao giờ thành công.
"Đừng đánh giá doanh nghiệp ép giá người nông dân. Có doanh nghiệp chụp hình gửi cho tôi khoai lang từ Vĩnh Long đưa ra cửa khẩu 40% phải bỏ vì không đủ quy cách, chủng loại", Tư lệnh ngành nông nghiệp cho hay.
Về vấn đề sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đó là sự lựa chọn của bà con, chúng ta không có thẩm quyền nào bắt bà con không được trồng sầu riêng.
Theo ông, phải tập hợp bà con để khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả sáng khác chiều khác, hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống, nên cần cân nhắc.
Nhấn mạnh cần cả hệ thống vào cuộc, ông Hoan nói không phải muốn né trách nhiệm của Bộ trưởng mà cần sự vào cuộc của các cấp để tạo sự gắn kết chặt chẽ.
Rất đau lòng khi Việt Nam phải chi tỉ USD nhập khẩu muối
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp cụ thể gì để Việt Nam đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình?
Trả lời câu hỏi này, ông Hoan cho biết hiện nay nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành muối, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mĩ phẩm.
Bộ NN&PTNT đang thực hiện theo hướng đó, và nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này.
Không hài lòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí bấm nút tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết hiện nay nhu cầu sử dụng muối của Việt Nam khoảng 1,5-1,6 triệu tấn/năm. Mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của nhân dân làm muối như thế này, mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng", đại biểu Trí bày tỏ.
Đại biểu mong rằng Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giúp đỡ diêm dân nâng cao sản lượng, chất lượng sản xuất muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trả lời tranh luận của đại biểu Trí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan xin ghi nhận ý kiến của đại biểu và cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chuỗi logistics ngành muối để đảm bảo phát triển ngành muối hiệu quả hơn.
Về câu hỏi tại sao ngành muối có tiềm năng vẫn phải nhập khẩu muối, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực hiện cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng ta vẫn phải nhập khẩu; gạo ta xuất khẩu hàng đầu thế giới, vẫn phải nhập khẩu gạo của Ấn Độ, Campuchia.
"Trong tương lai, sẽ có giải pháp về công nghệ, để ngành muối đáp ứng được tiêu chuẩn phục vụ cho ngành công nghiệp trong nước", ông Hoan nói.