Bộ trưởng Công thương thừa nhận trên thực tế đã có những hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng như vụ Khải Silk...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đề nghị giải trình rõ hơn về vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt, hàng nhái, hàng giả, cơ chế phòng vệ thương mại của nước ta, vụ Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không và Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết:
"Việt Nam hiện nay đang thực thi hàng loạt quy định của luật pháp quan trọng liên quan tới tiêu thụ thị trường trong nước cũng như thực thi theo các thỏa thuận xuất nhập khẩu.
Trước hết là luật quản lý về ngoại thương. Thứ 2 là luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Thứ 3 là luật hải quan, các nghị định hướng dẫn, phạm vi quản lý địa bàn của hải quan cũng như các hàng hóa nhập khẩu liên quan tới luật hải quan này. Thứ 4 là luật quản lý thuế. Thứ 5 là pháp lệnh quản lý thị trường. Thứ 6 là luật chất lượng hàng hóa và Nghị định 43 trong khuôn khổ luật này. Các văn bản quy phạm pháp luật này liên quan tới việc điều chỉnh các hoạt động thương mại trong nước và quốc tế".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" của ngành công thương sáng nay. |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Bộ Công thương đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kiểm nghiệm việc ban hành, báo cáo với chính phủ Nghị định 31 quy định chi tiết. Đây là Nghị định rất quan trọng hướng dẫn cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý về thương mại quốc tế cấp chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường được hưởng các ưu đãi thương mại về thuế quan.
Bộ tăng cường tuyên truyền phổ biến tới các cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa và gian lận thương mại. Chúng tôi cũng chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ gian lận thương mại, hàng hóa của nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định 824 ngày 4/7 Đề án để tăng cường quản lý Nhà nước về các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Bộ Công thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về hàng hóa tiêu dùng trong nước.
"Trên thực tế, Bộ Công thương vẫn đang giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, trong thời gian dài, một số doanh nghiệp đã có những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại như vụ Khải Silk... Cũng như sau này, có những câu chuyện chưa rõ ràng trong câu chuyện hướng dẫn về ghi xuất xứ, dẫn đến vướng mắc trong một số doanh nghiệp mà trong đó chúng ta phải chứng kiến câu chuyện như vụ Asanzo", ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo Bộ trưởng, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong việc ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các Bộ, ngành xây dựng một thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia góp ý của các Bộ ngành. Sau gần 1 năm xây dựng, Bộ Công thương đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm lưu thông trong nước và đang lấy ý kiến phản biện của xã hội, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức.
“Sau 2 vòng lấy ý kiến, các đóng góp rất đa dạng. Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng phạm vi điều chỉnh cần cụ thể hơn để tránh ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta, tránh việc các tổ chức nước ngoài căn cứ vào cái này siết chặt hơn nữa trong chứng nhận ưu đãi của hàng Việt Nam xuất đi nước ngoài”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Khăn lụa Khaisilk không có lụa: Day dứt người tin, ê chề người mua |
Lụa dối và những dòng sông lạc lối |
Khăn lụa Khai Silk không có lụa: Trò lừa trơ trẽn |