Giai đoạn 2013-2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhiều lần bấm nút phát biểu, đề nghị Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung phải giải trình kỹ trước thực trạng số liệu thống kê cho hay có 2.000 vụ bạo hành trẻ em mỗi năm, trong đó xâm hại tình dục đã là 1.500 vụ...
Bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.
Theo bà Nga, cơ quan chức năng có những khó khăn khách quan trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng cũng có những vụ nhà chức trách "không tích cực". Đơn cử vụ ở Cà Mau, cháu bé đã tự tử sau khi bị xâm hại và Thủ tướng lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc; vụ Nguyễn Khắc Thủy thì Chủ tịch nước phải có ý kiến...
“Với những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Cùng mạch ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Tuấn lo ngại trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm; 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Cụ thể, Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và tội phạm liên quan tới trẻ em; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ Lao động là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi trẻ em; UBND các cấp quản lý nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em...
Tuy nhiên, trưởng ngành lao động thừa nhận, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh; nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý. "Các cơ quan quản lý cũng cần nhìn lại, đánh giá hoạt động của mình", ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Bộ này đã chủ động có ý kiến về hầu hết những vụ việc xâm hại trẻ em. "Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ có ý kiến", ông Dung chia sẻ.
Lấy ví dụ vụ Nguyễn Khắc Thuỷ, ông Dung cho hay, ngay khi kết thúc phiên xử, ông đã gọi điện trực tiếp trao đổi với Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nói rõ quan điểm "không đồng tình với kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, đề nghị 2 cơ quan tư pháp cần xem xét lại, và đã được ghi nhận".
Hay vụ Minh béo sau khi mãn hạn tù liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, từ nước ngoài về nước, Minh béo vẫn tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan tới trẻ em. "Cá nhân tôi và Bộ Lao động cũng có ý kiến vấn đề này tới các cơ quan liên quan và được chấp nhận", ông Dung nhấn mạnh.
5 năm, hơn 8.000 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã bị xử lý
Tham gia giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Ông cho hay, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng đã khởi tố 701 vụ, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can.
Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề trên cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và tiếp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.
“Chúng ta cũng phải giáo dục kỹ năng cho các em và toàn xã hội lên án hành vi xâm hại này”, ông Trí nói và cho biết, tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thông tư liên tịch để phối hợp trong việc tiếp nhận tin báo tố giác hành vi phạm tội, đặc biệt tội xâm hại tình dục trẻ em.
Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Toà án nhân dân tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi; dự kiến đầu quý III sẽ ban hành. “Đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn việc điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử loại tội phạm này”, ông Trí nói.
Giải trình sau đó, Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu số liệu thống kê, giai đoạn 2013-2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, có 549 vụ xâm hại tình dục trẻ em phải trả hồ sơ (chiếm 6%); số còn lại 93% vụ xét xử đúng người, đúng tội.
Theo Chánh án Bình, số vụ trả hồ sơ, hủy, sửa không nhiều nhưng đã gây bức xúc trong xã hội. “Đây là những vụ không khó trong xét xử nhưng khó trong điều tra bởi đa số các vụ việc chỉ truy xét, không có chứng cứ, xảy ra đã lâu. Gia đình nạn nhân không khai báo, thậm chí che giấu. Có những loại tội giám định nạn nhân là bắt buộc nhưng gia đình từ chối”, ông Bình nêu.
Chánh án tối cao cho hay, một trong những vấn đề đặt ra của ngành là phải hạ tỷ lệ số vụ trả hồ sơ, điều tra bổ sung, sửa án. Để làm được điều đó, ngành Tòa án phải làm rất nhiều việc, về hướng dẫn nghiệp vụ, Tòa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, xuất bản ba tập giải đáp về nghiệp vụ, giáo trình riêng tập huấn về xử lý tội xâm hại tình dục trẻ em.
Hiện mô hình tòa thân thiện dành cho các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cũng được xây dựng, đang đưa vào thực thi trên toàn quốc. Với những vụ án xâm hại tình dục thì xét xử kín, thậm chí không ra tòa, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan.
Đề xuất quy trình đặc biệt xử lý án xâm hại tình dục trẻ em
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là nạn nhân. Tội phạm có cả người Việt Nam và đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tập hợp trẻ để nuôi dưỡng rồi xâm hại tình dục.
Theo ông, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.
Mặt khác, Bộ trưởng Công an nêu vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, Bộ trưởng Lâm cho rằng hệ thống pháp luật hiện đã quy định chặt chẽ là một thuận lợi khi đấu tranh với loại tội phạm trên. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 1999 quy định 5 tội về xâm hại tình dục, nhưng Bộ luật này sửa đổi năm 2015 quy định thành 6 tội rõ ràng.
Về phương hướng chỉ đạo hoạt động của lực lượng công an, ông Lâm nêu ra một số nhóm giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thưc phòng chống xâm hại tình dục; chấn chỉnh công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm...
Bộ trưởng Công an cũng đề nghị có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông Tô Lâm, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường.
Võ Hải - Hoài Thu - Bảo Hà
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến rất phức tạp
Liên quan đến các chất vấn với Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em, Chủ tịch Quốc ... |
Đại biểu QH "truy" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung lần đầu ngồi ghế "nóng" sáng 5-8 đã trả lời những câu hỏi liên tiếp của đại biểu QH ... |