Phương án thu thuế bất động sản đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên trong Dự án Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất, đang gặp phản ứng trong dư luận với đa phần ý kiến là không ủng hộ.
Dân phản ứng
Ở góc độ thứ nhất, dư luận phản ứng dữ dội là vì, ngay cái cách chọn phương án áp thuế đầu tiên, Bộ Tài chính đã không phân biệt người nhiều hay ít tài sản, giàu hay nghèo… Người có 1 căn nhà để ở cũng phải đóng thuế như những người có 2 hoặc nhiều nhà. Công nhân lao động có thu nhập thấp và trung bình, lo nuôi bản thân và gia đình còn chưa xong, sẽ phải gánh thêm khoản thuế tài sản mà có khi họ phải tích cóp trả góp đến 15, 20 năm ròng.
Nhưng đáng nói là chính căn nhà mà họ - những chủ sở hữu có thu nhập trung bình và thấp - phải đóng thuế tài sản, thì khi mua, họ đã phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập trước đó, rồi phải đóng thêm thuế giá trị gia tăng 10% (là một loại thuế tiêu dùng), sau khi về ở, lại phải đóng thuế đất (ngay cả đối với nhà chung cư vẫn phải đóng theo hệ số), thêm thuế tài sản là sắc thuế thứ tư cùng đánh lên 1 hành vi/món hàng tiêu dùng dù chỉ để phục vụ cho nhu cầu ở chứ không phải để kinh doanh, mua bán.
Hay đơn cử trường hợp người dân dùng thu nhập đã chịu thuế để mua ôtô, tiếp đó, họ còn phải chịu rất nhiều loại thuế/phí và lệ phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí biển số… và sắp tới phải chịu thêm thuế tài sản, cho dù nhiều gia đình chỉ có mỗi một chiếc ôtô phục vụ nhu cầu đi lại.
Đầu tiên, cần khẳng định rằng, cách gom tất cả các trường hợp vào chung 1 giỏ để đánh thuế như nhau là không hợp lí. Thứ 2, từ cách xử lí “tất cả vào 1 giỏ” đó sẽ dẫn đến hệ lụy là bóp chết tiêu dùng.
Với thị trường bất động sản, thuế tài sản gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư và có nguy cơ làm tăng giá nhà ở phân khúc thị trường thứ cấp. Một thị trường tiêu dùng sôi động sẽ giúp tạo nên 1 nền kinh tế mạnh, còn ngược lại, để thị trường tiêu dùng bị giảm phát hoặc đóng băng, thì lấy gì để tăng thu các loại thuế?
Sắc thuế mới hay tăng thuế phải được cân đối với mức tăng trưởng GDP/đầu người, phúc lợi xã hội và những khoảng trống thất thu thuế hiện tại.
Bộ Tài chính nói gì?
Phản hồi với Báo Lao Động ngày 15.4 về các ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính đang tìm cách tận thu thông qua đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản, ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - phủ nhận và cho rằng, “sao lại gọi là tận thu, dưới 1 tỉ không đánh thuế, nhà gần như không bị đánh thuế, thuế suất thì thấp so với các nước trong khu vực. Như thế nào gọi là tận thu?”.
Ông Thi xác nhận, bộ đề xuất đánh thuế tài sản hàng năm trên giá trị tài sản. Trước đó, ông Thi từng thừa nhận với báo giới rằng, dự án Luật Thuế tài sản nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn, tới mọi người dân trong xã hội.
Tuy nhiên, theo ông này, “giá đất không lấy theo giá thị trường mà theo mức mà UBND các tỉnh công bố hàng năm. Điều này phù hợp với quy định hiện tại. Với nhà, chúng tôi cũng không thể xác định 1 căn nhà thực tế xây hết bao nhiêu tiền vì mỗi nhà mỗi khác. Bởi vậy, chúng tôi căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân mà Bộ Xây dựng ban hành, khoảng 7,3 triệu đồng/m2”.
Trước câu hỏi về mức thuế với ngôi nhà 100m2, ông này khẳng định, “không có câu trả lời vì có nơi đất chỉ vài nghìn đồng mỗi m2, có nơi cao hơn, 100m2 vùng núi khác với những nơi khác, có nơi vùng sâu vùng xa có khi không phải nộp đồng nào”.
Trước những lo ngại về ảnh hưởng của luật thuế này với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho rằng, để giải quyết vấn đề này, tại Điều 10, dự thảo Luật đã quy định, cho phép chậm nộp tiền thuế như sau: Trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp tiền thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Lợi hay hại?
Việc Bộ Tài chính đề nghị nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,3% (phương án 1) 0,4% (phương án 2) đã gây ra phản ứng mạnh trong dư luận.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA): Chưa thỏa đáng. Ở nước ta, hiện nay chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, do đó rất cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có thuế đất ở, nhà ở... Việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính “tiền sử dụng đất”, theo hướng quy định “tiền sử dụng đất” là 1 sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành...
Ngoài ra, Hiệp hội nhận thấy, Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống thì chưa thật thỏa đáng.
Chuyên gia kinh tế TS Trương Huy Mai - RMIT: Thuế chồng thuế. Việc đánh thuế tài sản như Bộ Tài chính đề xuất, giống như 1 dạng “thuế chồng thuế” lên đầu người dân. Khi người dân mua đất xây nhà, thì tiền thuế đã bị đánh vào trong xi măng, sắt thép mà người dân sử dụng. Khi mua căn hộ thì cũng đã phải đóng thuế VAT. Ngoài ra, hàng năm còn phải đóng thuế sử dụng đất, mua bán lại cũng phải đóng thuế… Vậy thì hà cớ gì lại phải thêm 1 loại thuế này nữa, khi mà chưa có sự điều chỉnh các loại thuế khác một cách hợp lý, thật phi lý. Ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land: Đẩy người có thu nhập thấp vào khó khăn. Hiện tại, những ngôi nhà, căn hộ có giá dưới 700 triệu đồng, có chăng, chỉ là những dự án nhà ở xã hội với diện tích nhỏ. Chính vì vậy, với việc đưa ra mức trần 700 triệu, Bộ Tài chính đã đánh đồng luôn cả những người thu nhập thấp, khó khăn vào cùng tầng lớp giàu có để đánh thuế, đẩy những người thu nhập thấp vào hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm gánh nặng cho họ. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu: Người dân phải chịu thuế kép. Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi. Bởi lẽ, những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ 2. Chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế. Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - công ty Luật SB: Bất hợp lý. Với điều kiện kinh tế, đời sống và mức thu nhập của người dân Việt Nam như hiện nay, đề xuất về việc đánh thuế đất ở và nhà ở từ 700 triệu hoặc 1 tỉ đồng trở lên là rất bất hợp lý. Theo tôi, giải thích của Bộ Tài chính về việc đánh thuế đối với nhà ở và đất đai là để gia tăng công bằng xã hội là không hợp lý. |
Các nội dung chính của Luật tài sản mà Bộ Tài chính đề nghị -Về thuế tài sản: Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Một là, áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là, áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%. - Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là, đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là, nhà ở có giá trị 1 tỉ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỉ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Ví dụ, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì 1 căn nhà có giá trị 1,7 tỉ sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 1 tỉ đồng, tức 0,3-0,4%, tương đương 3-4 triệu/năm. - Tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên sẽ thuộc đối tượng chịu thuế. Đối tượng không chịu thuế là tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị dưới 1,5 tỉ đồng; tàu bay, du thuyền, ôtô sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách. - Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến, số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỉ đồng (nhà trên 1 tỉ) hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng (nhà trên 700 triệu đồng). Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỉ đồng (nhà 1 tỉ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên). Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. |
Thế giới đánh thuế bất động sản như thế nào? Ở Mỹ, chủ nhà phải nộp thuế nhà đất vào khoảng 1-3% (tùy quy định của các bang) giá trị thị trường của căn nhà, nhưng không quá 2,35% giá trị nhà. Khoản thuế nhà đất chiếm 50-80% thu nhập tài chính của địa phương. Đáng chú ý là, 60-70% tiền thuế nhà đất được chi cho công tác giáo dục phổ thông và cải thiện trật tự trị an cùng môi trường sống trong khu vực. Ở Anh, nhiều tỉ phú nước ngoài chọn thuê nhà để tránh phải trả thuế đất cho chính phủ. Thuế đất của những căn hộ đang được rao bán với mức giá hơn 1,5 triệu bảng Anh là 12% và sẽ tăng lên 15% khi mua căn hộ thứ 2. Hàn Quốc đánh thuế 0,15% - 0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với biệt thự, 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Tại Singapore, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3. |
Đánh thuế nhà 700 triệu, những sự thật khó thuyết phục
“Thuế nhà 700 triệu”, “thuế xe 1,5 tỉ” sẽ đánh không phải một lần, mà đánh hàng năm. Mức thuế sẽ ổn định trong chu ... |
Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng rất bất hợp lý
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng là rất bất hợp lý, ... |
Chuyên gia nói gì về đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng?
Nhiều chuyên gia cho rằng thuế tài sản là hợp lý, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, để áp dụng sắc ... |