Liên quan đến trách nhiệm xử lý 10 triệu tấn rác ở khu vực nông thôn, phía bộ NN&PTNT cho rằng, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành phối hợp với địa phương.
Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi trách nhiệm xử lý 10 triệu tấn rác thải nông thôn thuộc về ai?
Bộ TN&MT có trách nhiệm tham mưu và xử lý
PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về vấn đề này.
Ông Khương Văn Lực, chuyên viên phòng truyền thông, bộ NN&PTNT khẳng định: “Đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều đơn vị, câu chuyện xử lý môi trường là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành phối hợp với địa phương.
Bộ TN&MT có trách nhiệm tham mưu và xử lý, các bộ, ban, ngành sẽ phối hợp cùng thực hiện. Ví dụ, tiêu chí về xây dựng do bộ Xây dựng thực hiện, tiêu chí giao thông thuộc trách nhiệm bộ GTVT, nhưng câu chuyện rác thải còn liên quan đến nhiều yếu tố như công nghệ xử lý, chuyên môn xử lý… nghiêng về bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhiều hơn. Bộ NN&PTNT cũng không có chuyên môn trong vấn đề xử lý rác thải, không phải chuyên ngành quản lý môi trường”.
“Bộ NN&PTNT cũng đưa ra những định hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp, tức là phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Lực cho biết thêm.
Cần có bộ, ngành nhận trách nhiệm xử lý 10 triệu tấn rác thải nông thôn.
Theo ông Lực, bộ NN&PTNT có chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện, trong đó có một chỉ tiêu về môi trường, về cơ bản phải do địa phương xử lý.
Bộ chỉ định hướng về sản xuất nông nghiệp, từ trong khâu sản xuất đã phải áp dụng đảm bảo cho môi trường. Vấn đề xử lý rác thải tại mỗi địa phương không thuộc phạm vi quản lý, không đủ cơ sở để thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, cần trách nhiệm từ mỗi địa phương: Số rác bao nhiêu? Đã xử lý được bao nhiêu? Còn lại bao nhiêu? Hướng xử lý như thế nào?...
Nhiều giải pháp chưa xử lý triệt để, tốn kém
Ông Lực cho biết: “Trước đây, Bộ đã chủ trương mỗi thôn một điểm trung chuyển rác, cũng đã tạo điều kiện để xử lý rác nông thôn nhưng có những hạn chế: Thứ nhất, bãi rác tập trung không có, thứ hai, do công nghệ xử lý chưa đáp ứng.
Tại mỗi địa phương đang áp dụng những mô hình xử lý rác khác nhau. Một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, đã áp dụng lò đốt, hay tại một số địa phương khác như Nam Định sử dụng phương pháp chôn lấp…
Tuy nhiên, những phương pháp này để lại hậu quả nghiêm trọng với môi trường. Dạng xử lý tại địa phương mô hình nhỏ không hiệu quả, nguyên tắc phải có quy mô như nhà máy mới có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, mô hình lò đốt sẽ thải khói, bụi, ra môi trường, gây mùi; mô hình chôn lấp sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường đất, những rác thải khó phân hủy, không phân hủy được sẽ tồn lại… không xử lý được triệt để”.
Phương pháp lò đốt tại địa phương không giải quyết được triệt để ô nhiễm môi trường.
Đại diện truyền thông bộ NN&PTNT phân tích: “Vấn đề xử lý rác thải nông thôn có nhiều mảng, nhiều khía cạnh. Rác thải nông thôn có 2 loại: Rác nông thôn, rác trực tiếp từ sản xuất, trong đó, rác trực tiếp từ sản xuất lại có rác từ nuôi trồng, rác khó phân hủy, gây nguy hiểm, như bao bì phân bón hóa học, bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,…
Vì thế, yêu cầu phải có phương tiện, xử lý đồng bộ, đảm bảo bảo vệ môi trường gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng công nghệ. Trước đây, việc đầu tư công nghệ chưa chuẩn, sau này yêu cầu xử lý tập trung”.
“Có rất nhiều giải pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường tại nông thôn, nhưng phải đi từ ý thức của người dân. Yếu tố quyết định là tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu “sạch” thay thế cho bao bì nilon, phân loại rác, thuận lợi cho xử lý rác liên hoàn”, ông Lực khẳng định.
Thủ tướng: 10 triệu tấn rác thải ở nông thôn trách nhiệm của ai?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng môi trường sống của người dân ở nông thôn chưa được đảm bảo, 10 triệu tấn rác ở ... |
Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới
Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. |
Người Đà Nẵng chèo thuyền trên phố sau trận mưa ngập lịch sử
Mưa ngập lịch sử ở Đà Nẵng đã biến những con đường hóa thành sông và lượng ghe thuyền xuất hiện mỗi lúc một đông ... |