Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng, quy định của Bộ Giao thông vi phạm Luật Lao động và Hiếp pháp 2013.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp vừa có công văn trả lời Bộ Tư pháp về việc đánh giá tính hợp pháp của thông tư 21 của Bộ Giao thông Vận tải.
Thông tư 21 nêu việc nhân viên hàng không trình độ cao nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo bằng văn bản ít nhất 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng, để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Một số phi công không đồng tình quy định đơn phương nghỉ việc phải báo trước 4 tháng. Ảnh: Đoàn Loan
Ngoài ra, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu kết thúc vào tháng 6, tháng 7 thì hợp đồng sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng vào tháng 1 hoặc tháng 2 thì thời hạn hợp đồng sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó.
Theo Bộ Lao động, quy định này là không phù hợp Bộ luật Lao động năm 2012 và Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, tại điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng tùy thuộc vào loại hợp đồng sẽ có các thời hạn: ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động.
Cũng theo Bộ Lao động, hợp đồng lao động bị kéo dài thêm từ 1 đến 2 tháng khi kết thúc thời hạn báo trước là vi phạm các quy định về hợp đồng lao động. Đó là quy định người lao động phải tiếp tục làm việc khi hợp đồng lao động đã chấm dứt.
Ngoài ra, theo Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền của con người phải được quy định trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc phòng. Thông tư 21 của Bộ Giao thông đã hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động mà không phải vì lý do trên.
Trong công văn trả lời, lãnh đạo Bộ Lao động cũng nhấn mạnh, trước đây, khi Bộ Giao thông xây dựng thông tư số 21, Bộ Lao động đã góp ý về quy định thời hạn báo trước 180 ngày là không phù hợp Luật Lao động.
Dù vậy, Bộ Lao động thừa nhận tính chất đặc thù của ngành hàng không và để đảm bảo tính nghiêm ngặt về an toàn, an ninh hàng không (thuộc danh mục cấm đình công) và kế hoạch bay đã được duyệt, nhằm có thêm thời gian tuyển dụng, Bộ Lao động thấy rằng vấn đề này phải nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ, thấu đáo với các ngành, nghề đặc thù và lấy ý kiến của chính người lao động.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động, pháp luật cho phù hợp thực tiễn.
Trước đó, trong tháng 5, một nhóm phi công Vietnam Airlines (VNA) đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung của thông tư 41 và thông tư 21 của Bộ Giao thông. Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập và cho rằng các thông tư đã vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn thôi việc.
Còn lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định thông tư 21 đáp ứng thực tiễn, Luật Hàng không quy định, phi công là lao động đặc thù. Để tuyển phi công có kinh nghiệm thì mất ít nhất 4 tháng. Trước đây, các hãng hàng không đều báo trước 6 tháng, sau đó Bộ Giao thông đã rút ngắn xuống 120 ngày. Ngoài ra, phi công bỏ hãng vào dịp cao điểm hè hoặc Tết thì đề nghị lùi thêm một tháng, để tránh rối loạn.
Cán bộ nhận hỗ trợ 160 triệu để nghỉ việc vì \'không theo nổi 4.0\'
Ông Lê Văn Quang nói xin nghỉ hưu sớm vì nhìn nhận cán bộ trẻ được đào tạo bài bản và hội nhập tốt hơn. |
Phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày: Tranh luận nóng
Quy định của Bộ GTVT là đúng, Bộ GTVT cần tuyên truyền, không để phá ngang... |