Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sửa tên "trạm thu giá".
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc chuyển đổi cơ chế quản lý dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế quản lý giá.
Văn bản nêu rõ, việc chuyển đổi cơ chế quản lý phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, giai đoạn trước 1/1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10, theo đó “Phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục Phí, lệ phí quy định tại Pháp lệnh này và do Nhà nước quản lý, ban hành (đối với đường quốc lộ thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính ban hành, đối với đường địa phương thẩm quyền UBND cấp tỉnh ban hành).
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ như: Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ; Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Đối với từng dự án cụ thể, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu riêng cho từng dự án và mức thu nằm trong khung quy định chung tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trước thời điểm 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế phí ban hành theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Giai đoạn từ 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Trong đó, theo danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật phí và lệ phí của Quốc hội có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".
UBND tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Như vậy, kể từ 1/1/2017 dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật phí và lệ phí, Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Triển khai Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lý giải, tại các Thông tư này đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.
Tuy nhiên, có một số trường hợp các nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: “Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp”.
Như đã đưa tin, dư luận đang lên án Bộ GTVT về việc dùng từ “trạm thu giá BOT” thay cho “trạm thu phí BOT” với mục đích đánh tráo khái niệm. Thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ còn cho rằng “thu giá” là cụm từ không có trong từ điển Tiếng Việt nên từ này vô nghĩa.
Ngày 24/5, trả lời VTC News, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết trong nội dung của Luật Giá và trong Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này, không có cụm từ nào là “Trạm thu giá”.
"Chỉ có ở Thông tư 49 của Bộ GTVT, khi hướng dẫn thi hành Nghị định 07 mới gọi tắt cụm từ Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ thành Trạm thu giá", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Vị đại biểu Cà Mau cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ trong khái niệm “trạm thu giá” là không bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt. Chữ "giá" trong "trạm thu giá" của Bộ GTVT là không có nghĩa căn cứ theo từ điển tiếng Việt.
"Trong trường hợp này, Bộ GTVT đã chọn sai ngôn ngữ, mà đã sai rồi thì nên khắc phục, đừng có biện hộ bằng cách giải thích từ gốc rễ là luật với nghị định, không nên như thế", đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý.
Vị đại biểu Cà Mau cũng cho rằng người dân phản ứng là có căn cứ để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Nhà nước phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt.
Trong khi đó, sáng 24/5, trao đổi với báo chí tại hành lang kỳ họp Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết vừa qua có nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội về việc đổi tên thu phí sang thu giá tại các trạm BOT.
“Tôi nghĩ nếu vẫn dùng chữ giá phải dùng đầy đủ là trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp A, B, C cung cấp. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm đông người qua thì lấy thu bù chi thì sẽ giảm giá. Nếu trạm ít người qua lại thì không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá. Tôi nghĩ tên gọi gây ra sự hiểu lầm, nghe không hợp lý với từ ngữ trước nay mà mình sử dụng”, bà Hải nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng có ý kiến về việc này: "Dùng chữ giá, tôi cảm thấy không phải. Nếu đó là con đường của anh thì anh mới ra giá được. Có lẽ dùng chữ phí đúng hơn.
Đây không phải là câu chuyện thuần tuý ngôn từ, mà điều quan trọng, là quyền của người khai thác đến đâu. Đây không phải là con đường của anh, mà là con đường của xã hội. Anh tham gia vào một phần nào đó thì anh chỉ được hưởng một phần nào đó mà thôi. Cái đó, theo tôi nên gọi là phí sử dụng."
Thu giá
Tôi vẫn nhớ như in những cuộc tranh luận dai dẳng trong tổ chuyên gia hỗ trợ Ban soạn thảo dự án luật Hành chính ... |
Chuyển từ thu phí thành thu giá: Chuyển tài sản công cho doanh nghiệp?
Dù Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không khác gì ... |
Tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai: “Tôi tra 5 cuốn từ điển tiếng Việt, không thấy 2 từ “thu giá”
Xung quanh việc Bộ Giao thông - Vận tải thay đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” tại các dự án BOT giao thông, ... |