Các loài xâm lấn giống như "trẻ em được sinh ra trong thời đại toàn cầu hóa và chủ nghĩa trọng tiêu dùng"
Bộ đôi
Đó là nhận xét của nhà sinh vật học người Mỹ Leslie Anthony trong bối cảnh số loài xâm lấn gia tăng khi hoạt động thương mại và sự đi lại của con người trở nên toàn cầu hóa.
Đe dọa hệ sinh thái
Một số loài vô tình được con người đưa đến những nơi sinh sống mới, như chuột đã "chu du" khắp thế giới cùng các nhà thám hiểm và thương lái. Một số loài khác được thả có chủ ý, như ngư dân thả giun đất, cá mồi, thằn lằn hay rắn ngoại lai sổng chuồng.
Theo thống kê, hàng ngàn loài xâm lấn đã vượt biển hoặc đồi núi để sinh sôi nảy nở ở những vùng mới, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ USD/năm. Riêng ở Mỹ, những loài xâm lấn, như trai vằn và trăn Miến Điện, phá hoại mùa màng, hạ tầng và khiến kinh tế thiệt hại 145 tỉ USD/năm.
Giờ đây, do tác động của biến đổi khí hậu, một số loài xâm lấn ngoài khả năng thích nghi cao còn có thể thay đổi để phát triển ở những vùng đất mới. Giới khoa học thậm chí còn cảnh báo các cuộc xâm lược của sinh vật ngoại lai và tình trạng trái đất nóng dần lên đang hình thành "bộ đôi chết chóc", đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế, cuộc sống con người và đời sống thiên nhiên hoang dã.
"Có những hậu quả rõ ràng về kinh tế và sức khỏe con người" - ông Rob Colautti, chuyên gia Trường ĐH Queens (Canada), cảnh báo.
Trăn Miến Điện là một trong những loài bò sát xâm lấn được phát hiện ở bang Florida - Mỹ Ảnh: USGS
Bà Helen Roy, Trung tâm Sinh thái và Thủy học của Anh, cho rằng chính biến đổi khí hậu giúp một số loài xâm lấn hoành hành. "Ví dụ, loài kiến Argentina trước đây chỉ sống trong nhà tại một số địa phương ở Anh nhưng vài năm nay, chúng đã di chuyển ra ngoài trời. Khí hậu ấm lên đôi chút ở Anh giúp kiến Argentina sinh sống tốt hơn" - bà Roy giải thích.
Việc kiến bản địa bị mất chỗ đe dọa làm mất cân bằng hệ sinh thái của cây cối và côn trùng. Trong khi đó, kiến Argentina thường thích những nơi ấm áp và có thể làm hại hệ thống dây điện.
Không dễ đối phó
Nghiên cứu mới của 2 nhà khoa học người Mỹ - Jacob Barney và Dan Atwater - cũng ghi nhận các loài thực vật xâm lấn có khả năng thay đổi để phát triển ở những lục địa mới, trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau.
"Những phát hiện mới đã làm thay đổi khả năng dự đoán nơi loài xâm lấn sẽ phát triển và cách chúng có thể thích nghi trong điều kiện khí hậu thay đổi. Do đó, nỗ lực đối phó mối đe dọa này bị ảnh hưởng" - ông Barney, chuyên gia tại Trường ĐH Virginia Tech (Mỹ), cho biết.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành với mong muốn dự đoán sự phân bố trong tương lai của những loài xâm lấn có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người, môi trường và kinh tế. Theo ông Barney, thách thức không chỉ nằm ở chuyện dự báo mà còn ở khâu đối phó loài xâm lấn. Chẳng hạn, đối với một số loài, chúng ta có thể sử dụng sinh vật này khống chế sinh vật khác.
Tuy nhiên, cách xử lý sẽ trở nên không hiệu quả hoặc thiếu an toàn khi các loài xâm lấn trải qua những thay đổi về sinh thái. Các nhà khoa học còn cảnh báo việc loại bỏ loài xâm lấn là nhiệm vụ gần như bất khả thi một khi chúng có "chỗ đứng" vững chắc tại địa phương...
Anh, cùng với những nước như New Zealand và Nhật Bản, đang là điểm nóng của các loài xâm lấn. Ông Mark van Kleunen, nhà khoa học tại Trường ĐH Konstanz (Đức), giải thích với tờ The Guardian rằng những hòn đảo thường không có nhiều loài sinh vật bản địa như vùng lục địa, đồng nghĩa có nhiều không gian sinh thái dành cho những loài mới đến.
Riêng nước Anh đang phải chịu thiệt hại kinh tế hàng tỉ bảng mỗi năm từ những loài xâm lấn, như cốt khí củ Nhật Bản (một loại thảo dược), chồn mink… Năm 2014, sự xuất hiện của trai vằn ở Anh đã làm thay đổi toàn bộ tính chất hóa học và tự nhiên của một vùng nước, từ đó gióng lên hồi chuông báo động về mối đe dọa của loài xâm lấn.
Trai vằn là mối đe dọa số 1 trong danh sách các loài xâm lấn nguy hại được nhóm của bà Helen Roy liệt kê. Những cái tên đáng chú ý khác là bọ cánh cứng châu Á, tôm hùm Mỹ, cò quăm trắng châu Phi, sâu đục thân cây tần bì, kiến Argentina...
Mối đe dọa của sinh vật ngoại lai buộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan tiến hành cuộc họp vào tháng rồi để tìm biện pháp đối phó. Bangkok đang lo lắng sau khi một loại giun dẹp xuất phát từ đảo New Guinea xuất hiện ở nhiều địa phương Thái Lan hồi đầu tháng 11.
Thách thức càng lớn bởi Thái Lan hiện không có cơ quan nào chuyên xử lý vấn đề này. Giun dẹp New Guinea nằm trong danh sách 100 loài xâm lấn nguy hiểm nhất thế giới và có thể đe dọa các loài ốc sên bản địa.
8 nơi sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học nhất thế giới Mỹ dẫn đầu thế giới về sản lượng nhiên liệu sinh học, theo sau là Brazil. Hai quốc gia này chiếm tới 88% tổng sản ... |
Làm giàu ở nông thôn: "Choáng" với trại nấm linh chi "khủng" của kỹ sư về vườn Năm 2000, ông Nguyễn Văn Tuệ - một kỹ sư công nghệ sinh học, với khát khao xây dựng được thương hiệu và đưa sản ... |
Nuôi cá an toàn sinh học, nông dân khỏe, thu nhập tăng Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân ND huyện Hòa Vang và Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng đã phối hợp xây ... |