Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.
Ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Theo đó, Cục đã làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
|
|
Grab đã thâu tóm xong Uber và thị phần tăng lên hơn 50%. Ảnh: Thời báo Kinh tế Việt Nam |
Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.
Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngay sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi công văn đề nghị Grab Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ Công thương về thương vụ này sau khi được yêu cầu, Grab khẳng định việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch.
Phía Grab cũng không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định về thị phần nêu trên. Mặc dù vậy, thương vụ này cũng hoàn tất và kể từ ngày 8.4, hoạt động của Uber tại Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt và văn phòng Uber tại Việt Nam cũng đóng cửa. Việc Grab mua lại Uber cũng bị điều tra tại Singapore và Philippines.
Tại sao Việt Nam điều tra thương vụ Grab thâu tóm Uber?
Thương vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á đang bị nhiều nước trong khu vực điều tra. |
Thương vụ Grab thâu tóm Uber chính thức bị điều tra tại Việt Nam
Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo cho biết sẽ tiến hành điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về ... |
Cú bán mình của Uber và nguy cơ “xù” nợ thuế tại Việt Nam
Hôm qua (5.4), Grab Việt Nam đã tuyên bố không có trách nhiệm phải nộp khoản nợ thuế của Uber đối với Cục Thuế TPHCM ... |