- Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng
- Tân Hoàng Minh không có lãnh đạo "chủ chốt" không thể là lý do được tại ngoại
Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị, tổ chức có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, kiến nghị hàng loạt nội dung nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.
Xử lý nghiêm về hành chính đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm đã kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá; thu hồi chứng chỉ hành nghề Kiểm toán viên, Thẩm định viên...); đồng thời, cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên.
Có biện pháp quản lý chứng chỉ hành nghề, đăng ký con dấu pháp nhân, chữ ký kiểm toán viên, thẩm định viên để phòng ngừa các đơn vị, cá nhân này lợi dụng chứng chỉ, chức danh nghề thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bán tư cách pháp nhân, bán con dấu, ký giả chữ ký trên các báo cáo kiểm toán, chứng thư thẩm định giá vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, các quy định về thẩm định giá và quy định pháp luật liên quan; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trong đó quy định cụ thể, chi tiết đối với việc định giá tài sản hình thành trong tương lai và hồ sơ, thủ tục định giá tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các công ty chứng khoán trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, không ỷ lại chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trong khi các ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu; giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.
"Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, VietcomBank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan"- Kết luận của Cơ quan CSĐT nêu rõ.
Cùng với đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chỉ rõ những “lỗ hổng” pháp lý và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với quy định của Luật về phòng, chống rửa tiền, Nghị định 153/2020, Nghị định 65/2022 và các văn bản hướng dẫn, cần nghiên cứu bổ sung, quy định báo cáo về dòng tiền thanh toán qua tài khoản trái phiếu, có quy định về tài khoản trái phiếu chỉ dành riêng cho mục đích phát hành trái phiếu và phải có biện pháp giám sát dòng tiền trái phiếu, phòng ngừa hành vi chạy dòng tiền “khống” để hợp thức phương án phát hành và tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu; gắn trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan đến phát hành trái phiếu.
Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Nghị định 153/2020, Nghị định 65/2022 theo hướng cần quy định, hướng dẫn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tài sản đảm bảo, nguyên tắc xác định giá trị tài sản đảm bảo, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá và quản lý tài sản đảm bảo; yêu cầu mọi hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu dưới mọi hình thức phải được quản lý, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tuân thủ các quy định pháp luật.
Ngoài 15 bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của đảng và chính quyền.