Gần đây, giới đầu tư TP HCM, Bình Dương, Hà Nội... đổ về hai xã Tân Lợi, An Khương sau thông tin tỉnh khảo sát mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản.
Trên tuyến đường từ thị xã Bình Long vào trung tâm xã Tân Lợi, An Khương... xuất hiện hàng chục điểm giao dịch ở lề đường, biển rao bán đất được giăng khắp mặt tiền. Ôtô đậu kín hai bên đường kéo dài hàng trăm mét trước cổng Khu du lịch Thác số 4, địa điểm được cho ở gần sân bay Técníc Hớn Quản - khu vực vừa có thông tin được địa phương khảo sát đưa vào quy hoạch sân bay.
Mỗi khi có xe biển số khác Bình Phước tấp vào, những "cò đất" ra tận cửa mời chào với nhiều dự án đầu tư rất hấp dẫn. "Anh chị mua đất sân bay à, giờ giá còn rẻ chứ sang tháng là cao lắm, không mua nổi đâu, em còn mấy miếng đất rẫy mặt tiền đẹp lắm", một nữ môi giới từ TP Thuận An, Bình Dương nói. Ở bên trong lề đường, nhiều người ngồi trao đổi nói chuyện lớn, "vẽ" ra một kênh đầu tư rất tốt để người trong ôtô nghe thấy.
Khu vực xã An Khương nhiều nơi vẫn rao bán đất chiều 28/2. Ảnh: Phước Tuấn |
Theo một người dân xã An Khương, giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tuần qua được đẩy lên cao ngất ngưởng, từ 60-70 triệu đồng trước Tết một mét ngang mặt tiền, nay tăng lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang, có nhiều nơi đến 600 triệu đồng.
Trong khi đó, giá đất rẫy điều, vườn cao su ở sâu bên trong rẻ hơn, trung bình một sào đất nông nghiệp bán 2 đến 3 tỷ đồng. "Tôi có 6 sào hôm rồi cò đất hỏi mua với giá 16 tỷ đồng, nếu đồng ý thì đặt cọc ngay nhưng tôi còn phân vân, vì đất đai còn để làm ăn, sau này cho con", ông Toàn, đứng trước cổng Khu du lịch thác số 4 nói.
Theo ông Toàn, giá đất chủ yếu do cò đẩy giá chứ nhu cầu người dân bán cũng ít, người mua thật cũng không nhiều. Một người dân xã An Khương cũng nói thêm, nhiều miếng đất sang tay qua cả 6 - 7 người nhưng mới chỉ đặt cọc chứ chưa làm công chứng sang tên.
Đất ở khu vực này "sốt" sau thông tin UBND tỉnh Bình Phước đã có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ cho phép xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng).
Tuy nhiên, theo UBND huyện Hớn Quản, dự án làm sân bay Técníc mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sảt thực địa. Lợi dụng thông tin này, nhiều người ở Bình Dương, TP HCM... đến tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần khiến mất an ninh trật tự, nguy cơ lây nhiễm nCoV, làm cho nông dân bán đất sản xuất... sử dụng tiền không hiệu quả.
Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết, huyện đã chỉ đạo lãnh đạo hai xã Tân Lợi, An Khương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm lĩnh vực này. "Đồng thời, huyện đề nghị các địa phương, phòng, ban... thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết thông tin về sân bay, tránh để nhiều người từ xa đến lợi dụng thông tin sai lệch dễ gây hiểu lầm, trục lợi", bà Oanh nói.
Theo UBND Bình Phước, đây là sân bay được hình thành trước năm 1954, gắn với việc phát triển các đồn điền cao su của người Pháp. Hiện sân bay Técníc Hớn Quản do cơ quan quân đội quản lý. Từ 100 ha hiện hữu, Bình Phước mong muốn xin quản lý, lập dự án mở rộng sân bay lên quy mô 400 - 500 ha theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Phước Tuấn
Bộ Xây dựng vào cuộc "bắt bệnh" để trị tận gốc những cơn sốt đất ảo |
Dấu hiệu nhận biết sốt đất sắp sập |