Ngoại cảm là một nghề đang lên trên đất Mỹ. Nhưng song hành với các nhà ngoại cảm thuộc hàng ngôi sao luôn có những con người luôn tìm cách bóc mẽ họ và phá tan niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn, ma quỷ.
Susan Gerbic tự gọi mình là vệ binh bảo vệ sự thật và chuyên đi giăng bẫy các chuyên gia ngoại cảm. |
Những người bảo vệ sự thật
Susan Gerbic sống ở Salinas, California. Sau khi nghỉ hưu, bà tự tạo cho mình một công việc mới: Vệ binh của Sự khai sáng. Bà dành phần lớn thời gian trong ngày để chỉ huy nhóm hành động mang tên “Du kích nghi ngờ” của mình đi thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, với mục tiêu là bảo vệ sự thật trên không gian ảo. Công việc này thường là biên tập lại và giám sát nội dung nhiều trang thông tin trên bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia.
Từ vài người nhỏ lẻ ban đầu, nhóm của Gebric đã tăng số lượng lên tới 144 thành viên. Họ đã tìm hiểu, viết hoặc viết lại gần 900 trang nội dung trên Wikipedia. Dĩ nhiên họ thích tập trung vào thông tin không đúng sự thật, nhưng vẫn được thiên hạ đồn đoán, truyền tai nhau lâu nay như hiện tượng “người tự bốc cháy.” Nhiều bài viết của họ đã có tác động lập tức tới thực tế, ví dụ họ góp phần xóa bỏ những đồn đoán khủng khiếp quanh trò chơi “cá voi xanh” nguy hiểm.
Gần đây nhất, nhóm tập trung vào “những kẻ hút máu dựa trên nỗi đau”. Đây là tên gọi dành cho một nhóm thầy ngoại cảm ở Mỹ, những kẻ vỗ ngực tự xưng mình có thể triệu hồi người chết. Các ông thầy này xuất hiện khắp nơi trên đất Mỹ, từ những khách sạn cũ cho tới các sòng bài và các địa điểm nổi tiếng. Một số thậm chí đã trở nên nổi tiếng như siêu sao, gồm Theresa Caputo ở Long Island hay Chip Coffey, ông thầy có tiếng “thông thái, sở hữu khả năng ngoại cảm và khả năng tiên đoán tốt”.
Hiện nay là thời điểm vàng để các thầy ngoại cảm thu lời tại Mỹ. New York Times dẫn một nguồn phân tích thị trường cho thấy có gần 90.000 “hoạt động kinh doanh” tâm linh đang tồn tại ở Mỹ, thu lời khoảng 2 tỉ USD trong năm 2018. Điều đáng chú ý là công nghệ đã thay đổi hoạt động của các thầy, giúp họ có thể mở rộng “năng lực ngoại cảm”.
Ví dụ các thầy ngoại cảm kiểu cũ thường dùng phương pháp “đọc lạnh”, theo đó họ dựa vào quần áo, tín hiệu cơ thể, để đưa ra các phỏng đoán mơ hồ về cuộc sống và gia đình khách hàng. Nhưng hiện nay các thầy đều đã chuyển sang dùng phương pháp “đọc nóng”. Họ thu thập trước thông tin rất chi tiết về khách hàng dựa trên mạng xã hội Facebook và khi đôi bên gặp gỡ, họ sẽ dễ dàng có một màn tiên đoán gây ấn tượng với khách, khi nói nhiều thứ chi tiết về cuộc đời họ. Với nhóm của Gerbic, phương pháp “đọc nóng” chỉ cho thấy các thầy ngoại cảm hiện đại đang trở nên lười biếng hơn. Và họ muốn dùng công nghệ để vạch mặt những kẻ này.
Mùa Đông năm ngoái, một số thành viên Gerbic được triệu tập tham gia Nhiệm vụ Peach Pit nhằm giăng bẫy Matthew Fraser, một thầy ngoại cảm trẻ ở Long Island có ngoại hình hơi giống tài tử Tom Cruise. Nhân vật này hành nghề được vài năm, đã ra một cuốn sách và khá nổi tiếng.
Nhóm hy vọng sẽ ghi hình được cảnh Fraser đang tuôn ra những chi tiết mà anh ta thu thập được trên Facebook, về một nhân vật giả mà họ sắp tạo ra. Nhân vật giả này phải khó gây nghi ngờ nhất có thể. Đó sẽ là một người New York thi thoảng đăng các bài viết mới trên Facebook về một điệu nhảy của Will Ferrell hoặc vài bức ảnh cũ hoài cổ.
“Hãy tải bài viết lên nhiều hơn một chút nữa, thêm ảnh mèo, ảnh chế, các món ăn ưa thích, các công thức nấu nướng", Gerbic nêu ý tưởng, để đảm bảo kế hoạch của nhóm không dễ dàng bị lộ. "Cần đảm bảo rằng các bức ảnh tải lên sẽ không thể tìm thấy được dễ dàng bằng Google. Trang Facebook đó phải trông thật nhất có thể. Chúng ta muốn mục tiêu phải thấy khả năng kiếm tiền từ nhân vật giả này, chứ không phải những yếu tố khiến anh ta nghi ngờ".
Khi trang Facebook đã trông thật nhất có thể và mục tiêu đang sống tại cùng thành phố với một số thành viên nhóm của Gerbic, bà sẽ lập một đội đặc nhiệm. Đội này chịu trách nhiệm ra thực địa gặp gỡ mục tiêu và nhờ kẻ này tiên đoán tương lai. Sau khi thầy bói sập bẫy, đội sẽ ghi lại toàn bộ nội dung trao đổi giữa hai bên rồi đăng tải chứng cứ - video hoặc file ghi âm - lên một trang web chuyên dùng để vạch mặt các thầy ngoại cảm nổi tiếng "tiên đoán giỏi".
Cuộc đối đầu giữa sự thật và niềm tin
Sự tồn tại của các nhà ngoại cảm xuất phát từ niềm tin của chính chúng ta, về việc ai đó đang sở hữu năng lực siêu nhiên, với khả năng thấy trước thực tại, tương lai hoặc kết nối được với quá khứ. Niềm hy vọng về sự tồn tại của những năng lực này được cho là đã có từ thời xa xưa, thể hiện qua các nhà tiên tri cung đình của Ai Cập cổ đại hay các thầy pháp ở Trung Quốc cổ xưa. Gần đây chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy linh. Nó được đón nhận bởi nhiều con người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Trong khi người nghèo đi tìm lời khuyên từ những thầy bói sống gần nhà, người giàu lại đến gặp các nhân vật như một người Nga thần bí có tên Madame Blavatsky. Các triết lý của Blavatsky là sự pha trộn giữa tín ngưỡng, khoa học và triết học hiện đại, nhưng lại rất bắt tai khán giả.
Nhưng song hành với sự trỗi dậy của thuyết duy linh còn có một xu hướng khác chuyên làm điều ngược lại - phá tan sự huyền bí xung quanh các câu chuyện mang màu sắc duy tâm. Nhà thơ Robert Browning từng vạch mặt thầy ngoại cảm lừng danh thế kỷ 19 Daniel Home là kẻ lừa đảo, sau khi ông này tự nhận có thể nói chuyện với linh hồn đứa con trai chết non của Browning. Vấn đề là Browning không có đứa con chết non nào cả.
Nữ chuyên gia ngoại cảm nổi tiếng người Scoland là Helen Duncan thì được phát hiện đã dùng một cuộn vải bọc phomai rất dài để tạo hình ảnh linh hồn đang thoát ra khỏi miệng bà ta. Đầu thế kỷ 20, thầy ngoại cảm Frederick Munnings để một thiết bị thay đổi giọng nói giống kèn trumppet ở một góc căn phòng làm việc và dùng nó để làm giả tiếng "người âm" trong các cuộc gọi hồn về đêm. Chiến thuật thông minh này bị lật tẩy khi có người vô tình bật đèn trong lúc màn gọi hồn đang diễn ra.
Ý tưởng nói chuyện với người chết là một trong những niềm hy vọng tồn tại hết sức dai dẳng, qua nhiều giai đoạn thời gian. Vì những lý do nhất định, người ta vẫn mong muốn có thể liên lạc được với người đã chết.
Một nhân vật nổi tiếng của chủ nghĩa hoài nghi là Harry Houdini từng để lại hướng dẫn chi tiết để vợ và bạn bè có thể giao tiếp với linh hồn trong tình huống ông qua đời. Trong quá trình làm phim "The Shining" với Stephen King, đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick thừa nhận rằng ông nhìn thấy sự tích cực trong các câu chuyện về linh hồn và thế giới bên kia. "Nếu ma quỷ tồn tại thì có nghĩa chúng ta vẫn sống sót sau khi đã chết", ông giải thích.
Gerbic thích vạch mặt các thầy ngoại cảm vì những lý do riêng. Thầy của bà, James Randi, là một người theo chủ nghĩa hoài nghi. Sau khi bắt đầu làm công việc vạch mặt các nghệ sĩ lừa đảo như một thú vui, Randi nhận được một khoản tài trợ lớn từ quỹ MacArthur. Ông dùng số tiền và biến nó thành nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, gồm một hành trình đi biển thường niên trên một con tàu khách cỡ lớn cùng nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi khác. Hành trình này mang tên Amazing Adventure.
Năm 2009, trong hành trình thường Amazing Adventure tới Mexico, Gebric đã gặp Mark Edward và lập tức cảm thấy tâm đầu ý hợp, bởi cả hai đều luôn muốn phá tan các bức màn huyền bí để lôi những người còn mê muội về với thực tại. Khi ấy Edward đang quan tâm tới một phương pháp thay đổi nhận thức mới. Thay vì trực tiếp vạch mặt và bêu xấu các thầy ngoại cảm, ông tập trung vào việc giúp các vị khách tự nhận ra họ đang bị lừa.
Edward đã có mặt tại một buổi trình diễn hồi năm 2009, với sự góp mặt của thầy ngoại cảm ngôi sao Sylvia Browne. Lần ấy Browne quyết định phô bày khả năng ngoại cảm của mình ở Nhà hát Gibson, trong chương trình nằm dưới sự dẫn dắt của MC Montel Williams. Browne nhận thời trình diễn vì mới trở lại sau vài thảm họa ngoại cảm tai tiếng.
Cụ thể Browne nói với các con gái của một phụ nữ bị mất tích có tên Lynda McClelland rằng, mẹ của họ vẫn còn sống và đang ở Florida. Nhưng không lâu sau, thi thể của McClelland được tìm thấy gần nơi chị ở tại Pennsylvania. Browne cũng tiên đoán rằng Shawn Hornbeck, một bé trai 11 tuổi bị bắt cóc ở Missouri, đã bị thủ phạm - một gã Browne nói rằng mang làn da nâu - sát hại. Nhưng sau đó Hornbeck được tìm thấy còn sống và thủ phạm bắt cóc cậu là một gã da trắng.
Trong phần hỏi và đáp giữa Browne với khách tham gia chương trình, Edward đã vớ được một chiếc micro. Ông nói với Browne rằng mình đang bị nhập hồn, sau đó ông vừa lắc lư vừa nói “Lynda McClelland!”. Một đoạn video về sự kiện được phát trên YouTube cho thấy Browne luống cuống khi nghe thấy lời Edward và vội vã chuyển sang vị khách tiếp theo.
Một ngày khác, khi dự cuộc họp của những người theo thuyết hoài nghi vào năm 2001, Gerbic và một số người khác nhận ra Sylvia Browne cũng đang biểu diễn ở ngay gần đó. Họ quyết định phá đám, nhưng có chút thay đổi về kịch bản so với lần trước. Thay vì lấy micro để đặt câu hỏi, họ đã phát những mẩu giấy cho những người tham gia buổi trình diễn. Các mẩu giấy chẳng viết gì ngoài hai chữ “Shawn Hornbeck” và “Lynda McClelland” - ý tưởng của cả nhóm là vài khán giả có thể tò mò tìm kiếm trên Google hai cái tên này và hiểu ra mọi chuyện.
Gerbic còn nhớ về màn giăng bẫy lớn nhất của nhóm, Chiến dịch Pizza Roll, đã diễn ra hoàn hảo hồi năm 2017. Lần đó bà và các thành viên trong nhóm đã dành tới 10 ngày để tạo nhiều hồ sơ người dùng trên Facebook trước khi thầy ngoại cảm Thomas John ghé thăm Los Angeles. Gerbic và Edward sử dụng danh tính giả “Susanna và Mark Wilson” để đăng ký gặp John.
John là một nhân vật tầm cỡ siêu sao trong cộng đồng ngoại cảm. Ông ta có thể đọc vanh vách một cách chuẩn xác tên thú nuôi đã chết hoặc người thân đã khuất núi của mọi khách hàng ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Cửa hàng kinh doanh dịch vụ tâm linh của ông ta nằm ở Đại lộ Madison cực kỳ hút khách. Trong danh sách các khách hàng của ông ta có nhiều sao giải trí, gồm danh ca Sam Smith, ca sĩ Courteney Cox và minh tinh Julianne Moore.
Các khách hàng ngưỡng mộ John, nhưng có lẽ họ thiếu kỹ năng hoặc quá lười tìm kiếm trên Google để biết rằng trước khi trở thành thầy ngoại cảm, ông ta có biệt danh Quý bà Vera Parker vì thích ăn mặc như phụ nữ. John từng bị khởi tố vì tội ăn cắp, bị phạt tiền và kết án tù treo. Một nhân vật như thế nay lại trở thành kẻ mà lời câu chữ tuôn ra từ miệng được kẻ khác nuốt lấy như lời vàng ý ngọc.
Tới lịch hẹn gặp John, Susanna và Mark Wilson giả ăn mặc những bộ cánh lộng lẫy. Họ mua vé VIP và ngồi hàng ghế thứ 3 trong căn phòng mà John sẽ trình diễn khả năng ngoại cảm và tiên tri của mình trước những khách hàng đã đặt lịch trước. Việc này là để đảm bảo thiết bị ghi âm, ghi hình của họ sẽ thu được kết quả tốt nhất.
Bởi trang Facebook của nhân vật Susanna nói rằng người em sinh đôi của bà mới qua đời vì bệnh ung thư nên Gerbic tới điểm hẹn với mấy chiếc khăn tay - một tiểu tiết gài bẫy Gerbic tin sẽ có hiệu quả bởi nó khiến thầy bói John tưởng bà đang đau khổ nên sẽ thỏa sức bốc phét. Quả như vậy, trong buổi tối đó John nói với đám đông khán giả rằng linh hồn của một người em sinh đôi vừa qua đời đang nhập vào người ông ta và linh hồn này muốn trò chuyện cùng chị gái. Nghe vậy Gerbic bèn giơ tay.
“Vong nói cho tôi biết về việc bị ung thư thì phải?”, John nói với Gerbic và bà lập tức nấc lên như thật. “Đúng, đúng thế”. John được thể làm tới: “Tôi thấy có thứ gì đó ở đây này”, và chỉ vào bụng mình: “(Ung thư) dạ dày hay tụy nhỉ?” Và cứ thế, John rơi thẳng vào cái bẫy mà không hề biết. Ông ta thao thao bất tuyệt nói về người em trai đã chết của Gerbic, rằng cậu em này đang pha trò về bà và cậu ở ngay cạnh bà. “Em trai đang trêu chọc vì thấy bà ở đây cùng với tôi. Cậu ấy đang cười vì điều đó”, John nói và khán giả cười ồ lên.
Trong quá trình thể hiện khả năng giao tiếp với người chết, John đã thoải mái kể về các chi tiết liên quan tới cuộc đời của Susanna Wilson. Ông ta nói rằng biết người em trai quá cố của Susanna mang tên Andy nhờ sử dụng năng lực ngoại cảm. Ông ta cũng biết Andy là người em song sinh của Susanna, rằng hai chị em lớn lên ở Michigan và bạn gái Andy là Maria. Ông ta còn biết bố chồng Susanna và ông đã chết ra sao.
Tuy nhiên khi thao thao bất tuyệt được một lúc lâu, John có vẻ như cảm thấy mọi chuyện hơi bốc mùi. Bởi khi đang nói chuyện với Gerbic, ông bất ngờ hỏi “Buddy là ai nhỉ?”. Gerbic đáp rằng Buddy là bố mình, trong khi đó là tên con chó của cậu em trai ảo. John nói huyên thuyên thêm một chút nữa rồi đột ngột kêu lên: “Ồ tôi hiểu rồi, được thôi... Lúc này tôi đang bị người khác nhập vào rồi”. Sau đó ông ta bỏ đi chỗ khác.
Sự cố của Gerbic thực ra vẫn nằm trong kịch bản. Bà cố tình không nhớ hết mọi chuyện về cậu em trai ảo, chỉ để xem John đã tìm đọc thông tin trên Facebook kỹ như thế nào.
Trở về nhà Gerbic và Edward phấn khích tung thông tin lên mạng và nó lập tức thu hút sự chú ý. Tuy nhiên danh tiếng của John có vẻ không bị sứt mẻ mấy. Ông ta vẫn tiếp tục tham gia “Seatbelt Psychic”, một chương trình thể hiện khả năng ngoại cảm trên truyền hình. James Corden, người dẫn chương trình “The Late Late Show” nổi tiếng thừa nhận rằng ông mê mẩn show diễn của John vì sự hấp dẫn của nó.
Khi thật - giả không quan trọng bằng cảm xúc
Vậy vạch mặt các nhà ngoại cảm có phải là một chiến lược đúng đắn? Bởi đâu phải tất cả khách hàng của các nhà ngoại cảm đều là người khờ khạo, nhưng vì sao họ vẫn tìm tới?
Tháng 3 năm ngoái, trên Facebook đã xuất hiện tài khoản của Ed Caffry, người tự nhận đang sống trong một ngôi nhà bị ma ám và Zoe Bertino, một người phụ nữ Australia thích đeo tóc giả màu xanh dương và hay triết lý về cuộc đời. Ed và Zoe thực tế là Kenny và Donna Biddle, các thành viên trong biệt đội Gerbic.
Kenny từng là một người tin có sự tồn tại của hồn ma bóng quế. Năm 2003, ông còn lập nhóm săn ma của mình, trang bị rất nhiều máy ảnh “khủng” nhằm thu được hình ảnh hồn ma. Dành thời gian nhiều cho việc săn ma và Kenny trở thành một bậc thầy về... nhiếp ảnh. Đó là khi ông nhận ra các bức ảnh chụp được hồn ma thực ra toàn ảnh lỗi kỹ thuật.
Vậy là Kenny bắt đầu dành thời gian nghiên cứu kỹ các bức ảnh ma và dần dần ông ngả về phía nghi ngờ về sự tồn tại của hồn ma. Những ngày này ông vẫn tới dự các hội thảo về hồn ma và đôi khi một mình lập ra một bàn tiếp chuyện tại sự kiện, chỉ để xóa tan sự huyền bí xung quanh câu chuyện của những người khác! Cũng giống Gerbic, ông muốn “chỉnh đốn” nhận thức của càng nhiều người càng tốt. Vì thế ông và vợ đã lập tài khoản Facebook giả để giăng bẫy Matthew Fraser, một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Pennsylvania.
Phóng viên New York Times đã cùng vợ chồng Biddle tham gia cuộc giăng bẫy đó và được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của Fraser. Để bắt đầu, ông hâm nóng đám đông bằng cách pha trò tếu táo. Khán giả hôm ấy đa phần là phụ nữ, điểm xuyết có những gương mặt cau có của các ông chồng bị ép tham gia.
Sau màn khởi động, Fraser đi xuống đám đông và yêu cầu tất cả đứng lên. Rồi ông cho biết đã nhận ra có người phụ nữ ngồi ở hàng ghế đầu vừa mất mẹ. “Mẹ cô chấp nhận rằng tôi đại diện cho bà để nói chuyện với con gái”, ông nói, sau đó cho biết mẹ cô đang sống rất vui vẻ ở kiếp sau. “Mẹ muốn cô biết rằng bà yêu thương và rất quan tâm tới cô”.
Fraser đã có một màn trình diễn dựa vào kỹ thuật đọc lạnh rất ấn tượng. Thi thoảng ông pha trò để làm giảm bớt sự căng thẳng, nhưng nhanh chóng điều khiển tâm trạng của đám đông về đúng hướng đồng cảm, chia sẻ với mất mát với những người khác. Phóng viên New York Times nhận ra rằng sự đau khổ là một trong những cảm xúc thường không được thể hiện công khai và thường xuyên trong xã hội Mỹ. Vì thế khi sự đau khổ được một người công khai nêu ra, nó nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ người khác.
Qua những lần “nhập hồn, nói chuyện với vong” trong buổi tối hôm ấy, Fraser đã giúp làm vơi bớt cảm giác đau khổ và mất mát của những người còn sống. Và dù chỉ tới sự kiện như một người đưa tin, phóng viên New York Times bỗng nhớ lại tất cả cảm xúc về người cha đã mất năm anh mới 11 tuổi, khi anh lặng lẽ đứng bên huyệt mộ của ông.
Vào thời điểm Fraser đi hết một vòng quanh các khán giả, tất cả gần như đã ở trạng thái dễ dàng phơi bày cảm xúc. Đó là khi ông dừng lại bên một người phụ nữ đã mất cả hai con trai trong một sự kiện bi thảm. Bà nói ngày nào cũng nhớ về con.
Khán giả đồng cảm với bà. Có lẽ hồn ma bóng quế không có thật, nhưng những cảm xúc ở trong căn phòng đó đều thật. Fraser an ủi người phụ nữ. “Các con trai của bà nói rằng chúng vẫn ổn”, Fraser nói và người phụ nữ lập tức gục đầu và ngực chồng sụt sùi. “Quan trọng hơn là chúng vẫn sống cùng nhau ở thế giới bên kia. “Chúng nói rằng hai người đã có thêm một đứa con trai nữa. Chúng đồng tình rằng việc cả hai đứa cùng qua đời chẳng có nghĩa mẹ không được sống tiếp”.
Ngay cả những người đàn ông cứng rắn nhất trong căn phòng đó cũng bị cảm xúc lấn át. Họ quay mặt đi hoặc cúi gằm đầu xuống, mắt đỏ hoe. Fraser tiến tới cặp vợ chồng mất con, mở vòng tay ôm lấy họ, tất cả cùng rơi lệ. Rồi ông bước đi.
Trong đêm hôm đó Fraser còn có vài màn giao tiếp với người chết khác, mỗi lần đều khiến khán giả xúc động. Fraser đã chứng tỏ mình là người có khả năng trình diễn bậc thầy. Rõ ràng những gì ông nói ra trong tối đó đều là nhờ đã thu thập thông tin trước qua Internet chứ không phải do kỹ năng ngoại cảm gì. Nhưng không thể phủ nhận được sức mạnh và sự cảm thông, chia sẻ mất mát mà tất cả các khán giả đều cảm thấy từ ông. Và như thế câu hỏi đúng hay sai, thật hay giả bỗng trở nên không còn quan trọng nữa. Như triết gia David Hume đã từng viết câu nổi tiếng này cách đây gần 300 năm: “Lý trí là, và phải là nô lệ của cảm xúc”.
Tin mới nhất vụ “nhà ngoại cảm” nói có 3 tấn vàng trong hang đá ở Lạng Sơn
Liên quan đến vụ tin đồn về 3 tấn vàng trong hang đá ở Lạng Sơn, nhóm người tự xưng là “nhà ngoại cảm” đã ... |
Cái chết lâm sàng và chuyện thoát khỏi ma túy của nhà ngoại cảm
Mất vợ, thất vọng với cuộc đời mình, Tuấn dồn hết tiền bạc mua hơn triệu ma túy, dồn hết vào kim tiêm, rồi tiêm ... |
Chân dung nhà ngoại cảm lừa tiền ở Hà Nội
Hành nghề ngoại cảm từ năm 2014, Thắng quan hệ ngoài luồng với người phụ nữ ở Điện Biên và khiến nhiều người sập bẫy ... |