Biến đổi khí hậu 'tiếp sức' cho các siêu bão như Milton thế nào?

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm lượng mưa và sức gió trong các cơn bão lớn như Helene và Milton.

Nếu không có biến đổi khí hậu, bão Milton đã đổ bộ vào Florida với cấp độ 2 thay vì cấp độ 3, theo kết luận của nghiên cứu từ World Weather Attribution, một nhóm khoa học quốc tế. Nhóm này đã công bố nghiên cứu vào ngày 11/10, chỉ 2 ngày sau khi bão Milton đổ bộ.

Một nghiên cứu riêng về bão Milton được công bố cùng ngày bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London cho thấy rằng sự gia tăng cường độ này khiến Milton có mức phá hoại gấp đôi.

Phân tích của World Weather Attribution cho thấy những cơn bão có tốc độ gió như Milton đã trở nên phổ biến hơn khoảng 40%, và tốc độ gió ở những cơn bão có độ hiếm tương tự đã tăng thêm gần 18 km/h (5 m/s) (tức khoảng 10%) do mức tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Có thể nói, nếu không có biến đổi khí hậu, Milton sẽ đổ bộ vào Florida với cấp độ 2 và tốc độ gió 177 km/h thay vì cấp độ 3 với tốc độ gió 193 km/h.

Để đưa ra một nghiên cứu quy trách nhiệm nhanh như vậy, nhóm đã không thực hiện mô hình truyền thống thường được áp dụng cho các nghiên cứu loại này, thay vào đó dựa trên các xu hướng quan sát được trong 75 năm qua, cộng với các mô hình đã được thực hiện cho bão Helene, một cơn bão rất giống và xảy ra gần như cùng vị trí, chỉ 2 tuần trước đó.

Người dân chứng kiến thiệt hại do bão Milton gây ra ở Florida. (Ảnh: Reuters)

Người dân chứng kiến thiệt hại do bão Milton gây ra ở Florida. (Ảnh: Reuters)

Khi xem xét dữ liệu 75 năm qua tại khu vực miền trung Florida, họ phát hiện ra rằng các hiện tượng cực đoan về lượng mưa đã tăng đáng kể do sự nóng lên toàn cầu.

Phân tích về lượng mưa của Milton cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra có khả năng đã làm tăng cường độ mưa từ 10-50% và làm cho những cơn mưa lớn như vậy có khả năng xảy ra cao gấp đôi. Kết quả này rất giống với những gì họ tìm thấy đối với bão Helene.  

 

Dọc theo đường đi của bão Milton, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiệt độ đại dương luôn cao hơn hơn 1 độ C so với mức nhiệt giả định trong một thế giới không có biến đổi khí hậu, và khả năng nhiệt độ tăng cao như vậy trong quá trình bão phát triển thành bão lớn đã tăng từ 400 đến 800 lần. Điều này đã khiến cho cơn bão có nhiều khả năng phát triển và mạnh lên hơn trong suốt vòng đời của nó.

Mặc dù việc tăng 10% tốc độ gió của bão do biến đổi khí hậu có vẻ không quá nghiêm trọng, nhưng thực tế lại rất đáng lo ngại vì thiệt hại do bão tăng theo cấp số nhân với tốc độ gió.

Ví dụ, theo NOAA, một cơn bão cấp 2 với sức gió 161 km/h sẽ gây thiệt hại gấp 10 lần so với một cơn bão cấp 1 có sức gió 121 km/h. Điều này bao gồm thiệt hại không chỉ từ gió mà còn từ sóng dâng, lũ lụt và lốc xoáy. Tóm lại: Tăng 10% tốc độ gió có thể dẫn đến việc thiệt hại do bão tăng gần gấp đôi.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London cũng đã xác định riêng rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng tốc độ gió của bão Helene khi đổ bộ khoảng 21 km/h (11%) và của bão Milton gần 18 km/h (10%).

Sử dụng hàm tính toán thiệt hại đã được công bố trước đó và dữ liệu về giá trị tài sản toàn cầu bị ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu xác định rằng 44% thiệt hại kinh tế do bão Helene và 45% thiệt hại do bão Milton có thể được quy cho biến đổi khí hậu. Họ cũng bổ sung rằng phân tích này "có khả năng đánh giá thấp thiệt hại thực sự của các cơn bão vì nó không tính đến các tác động kinh tế lâu dài như năng suất bị mất và sức khỏe bị xấu đi". 

Những cơn bão được tăng cường sức mạnh không chỉ đe dọa nhiều người hơn dọc theo các bờ biển mà còn ở sâu trong đất liền. Mưa lớn do bão Helene mang đến đã gây ra lũ quét tàn phá xa tận bang Bắc Carolina.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy một cơn bão có kích thước và sức mạnh như Helene đã trở nên phổ biến hơn từ 200 đến 500 lần do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Về lâu dài, nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến nhiều cơn bão tương tự như Helene và Milton nếu là hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp diễn.  

Bão Milton có thể gây ra thiệt hại từ 30 đến 50 tỷ USD cho các công ty bảo hiểm tại Florida, theo Fitch Ratings. Vì tổng thiệt hại do bão thường gấp khoảng 2 lần thiệt hại được bảo hiểm, tổng thiệt hại từ Milton có thể đạt khoảng 60 đến 100 tỷ USD, khiến nó có khả năng trở thành thảm họa thời tiết đắt đỏ thứ 5 trong lịch sử thế giới, sau các cơn bão Katrina, Harvey, Ian và Maria.

 https://vtcnews.vn/bien-doi-khi-hau-tiep-suc-cho-cac-sieu-bao-nhu-milton-the-nao-ar901499.html

Thạch Anh / VTC News