Chùa Hồng Phúc có tên là chùa Hòe Nhai nằm trên phố Hàng Than là một trong những ngôi chùa cổ ở đất Hà Thành, được xây dựng dưới thời Lý. Ngôi chùa hơn nghìn năm tuổi đang lưu giữ pho tượng kép vô cùng độc đáo đó là Phật ngự lưng vua hay còn được gọi là vua sám hối.
Cổng chùa Hòe Nhai |
Chùa Hòe Nhai có 68 pho tượng quý được làm bằng các chất liệu khác nhau như; đồng hun, đất, gỗ… Không thể không nhắc đến pho tượng cổ nhất của chùa là tượng Cửu Long Thích Ca (Thích ca sơ sinh). Nhưng đặc sắc nhất thì phải nhắc đến pho tượng Vua sám hối. Pho tượng kép bằng gỗ này đã được xác nhận là độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Sự ra đời của pho tượng là một câu chuyện mang đầy triết lý nhân sinh quan của nhà Phật gắn với tên tuổi của một vị vua trong lịch sử phong kiến của Việt Nam. Pho tượng thể hiện một vị vua mặc triều phục quỳ sát đất, lưng vua là nơi an tọa của một nhà tu hành tay kết ấn nét mặt từ bi thoát tục.
Bức tượng Phật ngự lưng vua được đặt bên phải phía sau điện chính |
Theo tư liệu của chùa Hòe Nhai, dưới thời vua Lê Hy Tông (1663-1716) nhà vua bài xích Phật giáo và ca ngợi Nho giáo. Vua ban sắc lệnh đuổi hết tất cả các tăng ni vào rừng tu hành, ai không muốn tu thì buộc phải hoàn tục, không được phép cạo râu, tóc… Nếu ai chống đối sẽ bị khép vào trọng tội và xử trảm. Các nhà sư sau một thời gian bị đẩy vào rừng, một số người không chịu được cảnh đói rét ở nơi rừng thiêng nước độc nên buộc phải trở về kiếp phàm trần. Chùa chiền trở nên hoang phế tiêu điều Thiền sư Tông Diễn thuộc thế hệ thứ hai của phái Tào Động nhìn thấy sự đi xuống của Phật giáo và sự khốn khổ của người tu hành lòng như thắt lại tự hỏi: “Tại sao nhà vua phỉ báng đạo Phật như vậy? Phật giáo là giáo dục, là người đốt ngọn đuốc soi đường… Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá cũng phải gật đầu, giảng kinh hoa trời rơi loạn, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu không hoằng dương được chánh pháp thì làm sao có thể đền ơn Phật Tổ! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời”. Với quyết tâm về kinh thành Thăng Long cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn niền tin Phật pháp thiền sư Tông Diễn giả dạng nhà Nho xin diện kiến nhà vua và muốn dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý, sau khi nhìn thấy thiền sư nhà vua rất vui mừng ngỡ rằng mình gặp một nhà Nho đạo cao đức trọng bởi ông có dáng dấp như một vị tiên. Khi diện kiến nhà vua Tông diễn gửi cho đức vua một bức thư được viết bằng tâm huyết của Tông Diễn, nhằm giúp vua Lê Hy Tông ngộ ra được chân lý của đạo Phật.
Trong thư Tông Diễn ghi lại những lợi ích mà Phật giáo đem lại nội dung chủ yếu nói về các vị vua thời Lý, Trần hết sức coi trọng đạo Phật nên quốc gia thịnh trị, giáo lý nhà Phật dạy con người tin nhân - quả. Đạo Phật còn dạy con người có hiếu với mẹ cha, đoàn kết sống với nhau bằng từ bi vị tha… Với một đạo lý như vậy thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà vua, cho thần dân và cho tất cả mọi người. Đạo Phật từ bi mà Đức Phật giảng dạy giúp cho người ta tha thứ không hận thù những giáo lý đó dạy cho con người ta biết những hành động mình tạo ra ban đầu là chọn làm hành động tốt đẹp ngay ngày hôm nay để mai sau sống yên vui hạnh phúc, nếu nhà vua dùng giáo lý này chỉ dạy cho muôn dân dạy họ làm người tốt, làm điều tốt thì đất nước không có tù tội, không có trừng phạt, như vậy có lợi cho dân cho nước tại sao vua lại không tôn trọng? Đạo lý con người nhà Nho hay Phật đều dạy con người lấy chữ Hiếu làm đầu, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội nếu những gia đình không hạnh phúc thì đất nước của nhà vua đang cai trị có được an lạc, liệu thần dân của người có được yên ổn không? Vua Lê Hy Tông sau khi đọc hết bức thư lý giải có lý có tình của Tông Diễn, trong giây lát nhà vua như bừng tỉnh thoát khỏi cơn mộng mị nhận thấy giáo lý đạo Phật đúng là ngọc quý giúp an dân trị quốc bình thiên hạ. Các triều đại trước được trị vì lâu bền cũng là áp dụng giáo lý từ bi, nhân quả của đạo Phật, lấy sự hiếu thảo của đạo Phật dạy cho muôn dân nhờ vậy nên đất nước phồn vinh và an lạc. Sau khi vua đọc xong bức thư của Thiền sư mới nói lên thân phận thật sự của mình là một nhà tu hành không phải một Nho sĩ. Nhà vua cúi mình tạ lỗi trước nhà sư sau đó mời Thiền sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý và hạ chiếu để các tăng ni trở về chùa tu tập, đồng thời nhà vua cho người tạc một pho tượng có hình một vị vua mặc triều phục, quỳ gối, thủ phục sát đất đức Phật an tọa trong tòa sen trên lưng. Hình ảnh này cho tất cả muôn dân thấy được hiểu được việc làm của nhà vua là sai trái nay vua hối hận về hành động của mình nên xin sám hối với đức Phật với những người tu hành với con dân của đất nước. Đó cũng là bài học để răn dạy các thế hệ đời sau phàm sống ở trên đời ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng phải biết nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình. Về sau có vài ý kiến cho rằng cần phải phá bỏ bức tượng bởi nhà vua là pháp quyền còn tôn giáo là thần quyền thì không thể để thần quyền bên trên pháp quyền như vậy được, may thay có một vị nhân sĩ đứng ra giảng giải cặn kẽ nguyên nhân vì sao có bức tượng Phật ngồi lưng vua nên pho tượng mới không bị phá bỏ.
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội giữa những con phố ồn ào náo nhiệt, nhưng khi đặt chân vào chùa Hòe Nhai, ta như cảm nhận được sự bình yên trút bỏ mọi muộn phiền để trở về với thế giới tĩnh tại và yên bình. Ta sẽ cảm nhận hơi thở lịch sử còn đọng lại trên các pho tượng, trên các tấm văn bia mà chùa đang gìn giữ. Theo văn bia năm Chính hòa 24 trong chùa còn ghi thì xưa kia chùa có diện tích khá lớn được miêu tả;
"Hồng Phúc ở Hà Thành/ Núi Nùng như vạt áo/ Sông Nhị như giải lưng/ Hồ Trúc Bạch chắn ngang/ Dòng Tô Lịch vòng lại/ Phía trước là đền Quán Thánh/ Bên trái là đền Huyền Thiên/ ba phía đến nay vẫn còn lưu dấu vết/ Đây thực là chốn Tùng Lâm lâu đời nhất của đất Thăng Long...".
Tấm bia đá cổ ở chùa Hòe Nhai |
Xưa kia rộng lớn là thế nhưng đến thời Pháp thì chùa Hòe Nhai thu hẹp lại như hiện nay trên diện tích khoảng 3000m2. Chùa Hòe Nhai gồm 2 tòa bái đường 5 gian ở 2 bên, chính điện 3 gian ở giữa, nhà tổ 7 gian phía sau tạo thành hình chữ Công là lối kiến trúc thường thấy của những ngôi chùa Việt Nam. Chính điện có ban thờ lớn với 6 lớp tượng Phật, hai bên là các vị hộ pháp và Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu, đi vào phía trong sẽ thấy bức tượng Thập vị Diêm vương cai quản địa phủ, mỗi bên có 5 vị, bên cạnh đó là pho tượng Quan Âm. Ở chính giữa có ban thờ tổ trông rất giản dị mà uy nghiêm. Chính điện còn đang trưng bày và lưu giữ nhiều bức chạm trổ hình tứ linh, các cửa võng sơn son thiếp vàng và nhiều tượng cổ được lưu giữ từ thế kỷ 18. Điển hình như Khánh Đồng được đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 đời vua Lê Thuần Tông vào năm 1734, bên cạnh đó là quả chuông đồng được đúc từ thời Tự Đức thời nhà Nguyễn. Chiếc Chuông Tự Đức khánh đồng, pho tượng và những tấm bia cổ đặc biệt là tấm bia được dựng năm Chính Hoà 24 (1703), đã tạo nên nét uy nghiêm cổ kính cho ngôi chùa này. Phía sau chính điện là nhà tổ và trai phòng với các dãy hành lang bao bọc xung quanh, nhà tổ 7 gian có 36 pho tượng cổ với nhóm tượng mẫu và sư tổ, các pho tượng đều được tạo hình công phu tinh xảo cân đối mỗi bức tượng đều biểu lộ sắc thái gương mặt khác nhau. Ngôi chùa này có lẽ chỉ còn thiếu lầu chuông, hồ sen và cổng chùa được thay thế bằng một ngũ môn quan to hơn nhiều so với mô tả trong tấm bia dựng năm 1703.
Chùa Hòe Nhai còn là di tích "chốn Tổ" của phái Thiền Tào Động - một trong hai phái Phật giáo lớn ở miền Bắc Việt Nam, ngôi chùa cổ vẫn đứng đó với bề dày truyền thống, văn hóa ghi nhận những thăng trầm biến động và nối tiếp lịch sử xuyên suốt của kinh thành thành Thăng Long.
Thùy Dương