Ngày 11/11 hàng năm được coi là Ngày độc thân của giới trẻ ở một số nước trên thế giới. Thậm chí, ngày này đã trở thành ngày hội giảm giá, mua sắm rầm rộ dành cho các bạn trẻ.
Lễ độc thân (còn gọi là Quang côn tiết hay Singles' day) bắt nguồn từ Trung Quốc và được xem là một ngày tôn vinh "lễ độc thân" của giới trẻ ở một số nước. Ngày lễ này trái ngược hoàn toàn với ngày Lễ Valentine 14/2 – ngày lễ dành cho các cặp tình nhân.
Cụ thể, ngày độc thân được cho là xuất hiện trong một trường học ở Nam Kinh, sau đó được lan truyền rộng rãi và dần dần tạo thành một nét "văn hóa độc thân" ở Trung Quốc.
Năm 1993, tại một căn phòng trong ký túc xá trường đại học Nam Kinh có 4 sinh viên năm cuối không có người yêu. Mỗi tối, họ đều tổ chức ngồi để nói chuyện phiếm và chủ đề chính của những buổi nói chuyện đều chỉ là làm sao để thoát "ế".
Gần đến ngày 11/11, họ bỗng nảy ra ý tưởng tổ chức một hoạt động kỷ niệm độc đáo dành cho chính mình nhân ngày toàn số 1, con số tượng trưng cho sự lẻ loi. Họ không ngờ được rằng ý tưởng của mình được rất nhiều người cùng cảnh ngộ tán dương và hưởng ứng nhiệt liệt.
Sau đó, việc ăn mừng "Ngày độc thân" đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của sinh viên trường đại học Nam Kinh rồi lan rộng sang các trường khác trong vùng.
Theo Naver - cổng thông tin truyền thông số một Hàn Quốc, khi Lễ độc thân lan tỏa toàn châu Á, nhiều người trẻ chọn dịp này để du lịch, picnic, dã ngoại cùng "hội chị em". Bên cạnh đó, các cô gái Hàn thoải mái mua sắm trong ngày này, với mục đích tự thưởng cho bản thân, tận hưởng cuộc sống.
Từ năm 2009, ngày độc thân có bước chuyển mình, đa dạng hơn nhờ ý tưởng của tỷ phú Jack Ma. Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, ông hướng đội ngũ nhân viên dưới quyền mình chọn một ngày cố định để "siêu giảm giá", kích cầu mua sắm, tương tự ngày Black Fiday của Mỹ.
Jack Ma quyết định chọn ngày 11/11 là lễ hội mua sắm, khuyến khích người độc thân dành cho mình món quà đặc biệt với chi phí chỉ bằng 1/3 ngày thường. Về sau, ngày 11/11 không còn dành riêng cho người độc thân mà hướng đến mọi tầng lớp vì ai cũng có nhu cầu mua sắm.
Nhờ các chương trình giảm giá sâu, ngày lễ này trở thành ngày hội mua sắm ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất thế giới. Thậm chí sự kiện Ngày lễ độc thân 11.11 ở Trung Quốc còn lớn hơn cả sự kiện Ngày thứ sáu đen tối (Black Friday) và Cyber Monday ở Mỹ cộng vào.
Doanh số bán hàng Ngày Độc thân 11/11 lần đầu tiên của Alibaba chỉ có 27 thương hiệu tham gia. Năm ngoái, công ty cho biết họ đã làm việc với 180.000 thương hiệu trên hơn 200 quốc gia. Số người mua hàng của Alibaba vượt quá 168,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25,4 tỷ USD) trong ngày này vào năm 2017. Hãng JD.com cũng tổ chức lễ hội mua sắm 11 ngày, thu về 19,1 tỷ USD.
Trên nền tảng của Alibaba, các sản phẩm phổ biến nhất trong Ngày Độc thân là quần áo và các nhu yếu phẩm hàng ngày, như sản phẩm chăm sóc da, sức khỏe và các sản phẩm dành cho trẻ em.
PV (t/h)
Theo Nghề nghiệp và cuộc sống
Sự thật thẻ tích điểm, cổng chống trộm siêu thị khiến bạn giật mình |
Đường Thất Tỷ Muội: khu trung tâm sầm uất của Hồng Kông với truyền thuyết bí ẩn |
12 thứ bạn phí tiền mua mà không biết |