Bí ẩn động cơ khiến quân nhân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên

Nhà chức trách Mỹ đang cố gắng ghép nối những lý do có thể đã thúc đẩy quân nhân Travis King cố tình vượt biên sang một trong những quốc gia đối địch với họ. Sự việc bất ngờ xảy ra hôm 18-7, khi Travis King đang tham quan làng đình chiến Panmunjom thì đột nhiên băng qua Đường phân giới quân sự, từ Hàn Quốc chạy sang phía Triều Tiên.

trieu-tien-4546-2684
Binh nhì Travis King đã chạy sang lãnh thổ Triều Tiên khi cùng đoàn khách tham quan khu phi quân sự liên Triều hôm 18-7

Không phải trò đùa

Sarah Leslie - một du khách đến từ New Zealand - tham gia chuyến du lịch cùng binh sĩ Mỹ cho biết, cô nhìn thấy anh ta đột ngột băng qua biên giới rồi biến mất. Không giống như các khu vực có an ninh nghiêm ngặt, đường phân định biên giới thực tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc bên trong làng đình chiến không có hàng rào nào cả.

Khi Travis King chạy qua phần lãnh thổ thuộc về Triều Tiên, Sarah Leslie nghe thấy một quân nhân Mỹ đang tuần tra hô lớn: “Bắt lấy anh ta”. Lực lượng Hàn Quốc cố gắng ngăn Travis King lại nhưng không thành công. “Ban đầu tôi nghĩ đó là một hành động quá khích, nhưng khi anh ấy không quay lại, tôi nhận ra đó không phải trò đùa. Và mọi người bắt đầu hoảng sợ” - nhân chứng nói thêm. Một nhân chứng khác cho hay, Travis King dường như đã cười lớn trước khi băng qua đường biên giới.

Theo quân đội Mỹ, Binh nhì Travis King, 23 tuổi, nhập ngũ năm 2021 với vai trò trinh sát của Sư đoàn Kỵ binh thiết giáp số 1 đóng ở bang Texas rồi được triển khai sang Hàn Quốc thuộc biên chế Sư đoàn bộ binh số 4. Tuy nhiên, theo một phán quyết của tòa án Hàn Quốc, King đã tấn công và phá hoại tài sản công cộng vào tháng 10-2022.

Sau thời gian bị quân đội Mỹ giam ở Pyeongtaek, anh ta bị 2 sĩ quan áp giải ra sân bay hôm 18-7 để về nước nhận kỷ luật chính thức. Tuy nhiên, sau khi qua cửa an ninh sân bay, quân nhân này đã nói dối để quay ngược trở lại nhập vào một đoàn du khách rồi vượt biên sang Triều Tiên.

Hôm đó, Travis King đã đăng ký chuyến bay của Hãng hàng không American Airlines tới Dallas, nhưng anh ta nói với nhân viên hãng hàng không rằng hộ chiếu bị thất lạc để tránh lên máy bay. Các chuyến tham quan dân sự đến khu phi quân sự (DMZ) được quảng cáo tại sân bay và có lẽ trong một quyết định bất ngờ, King đã tham gia.

Nỗi lo có thật

Travis King được cho là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Các quan chức Mỹ hiện đang cố gắng ghép nối những động cơ có thể thúc đẩy Travis King làm việc này. Có người cho rằng, anh ta lo lắng về việc bị quân đội kỷ luật sau khi trở về Mỹ và chưa có cơ sở để khẳng định binh sĩ này có tình cảm với Triều Tiên.

Bà Claudine Gates (mẹ của Travis King) chia sẻ với đài ABC rằng, bà sốc nặng khi hay tin con trai vượt biên sang Triều Tiên: “Tôi không thể nghĩ rằng Travis làm như vậy”. Còn ông Carl Gates (chú của King) nói, cậu ta đã “suy sụp” sau cái chết bi thảm của người em họ 7 tuổi hồi đầu năm nay.

Theo ông Gates, đứa con trai nhỏ của ông qua đời vào cuối tháng 2 do một rối loạn di truyền hiếm gặp và phải dùng thiết bị duy trì sự sống trong những ngày cuối đời. “Travis bắt đầu trở nên liều lĩnh khi biết con trai tôi sắp chết. Tôi biết điều đó có liên quan đến những gì cháu tôi đã làm” - ông Gates bày tỏ.

Trước đó, cáo trạng của tòa án Hàn Quốc cho biết, King từng tấn công một người đàn ông tại câu lạc bộ vào ngày 25-9-2022, nhưng vụ việc đã được giải quyết. Ngày 8-10, cảnh sát Hàn Quốc nhận được tin báo về một vụ ẩu đả khác liên quan đến Travis King và binh sĩ này không chịu hợp tác.

Khi bị cảnh sát bắt, anh ta đã lăng mạ bằng những lời tục tĩu và đá vào cửa xe tuần tra, gây thiệt hại khoảng 584.000 won (461 USD). Tòa án cho biết thêm, bị cáo không có tiền án tiền sự và đã trả 1 triệu won (789 USD) để sửa xe nhằm có được tình tiết giảm nhẹ khi xét xử. Ngày 8-2, Tòa án quận Tây Seoul ra phán quyết buộc lính Mỹ này nộp phạt 5 triệu won (gần 4.000 USD).

Liên quan tới vụ vượt biên trên, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim thông báo, Washington đang nỗ lực xác minh thông tin về tình trạng sức khỏe của Travis King và tìm cách “đưa King về nước an toàn”. “Thành thật mà nói, tôi rất lo ngại cho binh nhì King. Chúng tôi muốn đưa anh ấy về càng sớm càng tốt” - bà Christine Wormuth, Bộ trưởng Lục quân Mỹ phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20-7.

Khó khăn trong biện pháp can thiệp ngoại giao

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với truyền thông rằng, Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng trao trả binh nhì Travis King khi quân nhân này đã vượt qua biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên mà không có sự cho phép của chỉ huy. “Chúng tôi đã chuyển thông điệp tới Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và muốn đưa anh ấy trở về an toàn” - ông Matthew Miller nói. Đến sáng 20-7, vẫn chưa có thông tin mới về binh nhì vượt biên.

Theo giới quan sát, Triều Tiên có thể khai thác một số thông tin quân sự từ Travis King. Do chỉ là một binh nhì nên anh ta không có nhiều giá trị tình báo, nhưng chắc chắn sẽ bị cơ quan an ninh nước này thẩm vấn. Họ sẽ đánh giá liệu Travis King có thực sự là một kẻ đào tẩu hay không?

Và liệu câu chuyện cố tình trốn khỏi sân bay, lên một chiếc xe buýt du lịch tới khu phi quân sự để vượt biên có chấp nhận được hay không? Cơ quan chức năng Triều Tiên cũng sẽ phải thuyết phục ban lãnh đạo rằng, anh ta không phải là kẻ khiêu khích, cũng không phải điệp viên ngầm.

Nếu được phép ở lại, rất có thể King sẽ trở thành một giáo viên tiếng Anh hoặc phiên dịch cho phương tiện truyền thông nhà nước. Thực tế, sau Chiến tranh Triều Tiên, một số quân nhân Mỹ đào tẩu đã trở thành diễn viên, đóng vai người Mỹ phản diện trong các bộ phim của Triều Tiên.

Hãng tin CBS News của Mỹ trích lời Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) gợi ý rằng, Travis King thậm chí có thể trở thành chất xúc tác để Triều Tiên và Mỹ khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp song phương. Theo đó, Triều Tiên có thể chào đón một đặc phái viên cấp cao của Mỹ để đàm phán về việc đưa Travis King về nước.

Trong hơn 30 năm qua, 11 công dân Mỹ đã bị giam giữ do vô tình hoặc cố ý xâm nhập Triều Tiên bất hợp pháp. Tất cả họ cuối cùng đã được trả tự do, một số phải can thiệp ngoại giao ở cấp cao. Tuy nhiên, kể từ khi Triều Tiên phong tỏa biên giới do đại dịch Covid-19, mọi biện pháp can thiệp ngoại giao tới nay hầu như không thể thực hiện được.

Travis King được cho là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Có người cho rằng, anh ta có thể đã lo lắng về việc bị quân đội kỷ luật sau khi trở về Mỹ. Cũng chưa có thông tin nào cho thấy binh sĩ này có tình cảm với Triều Tiên. Bà Claudine Gates (mẹ của King) chia sẻ với đài ABC rằng, bà sốc nặng khi hay tin con trai mình làm như vậy.

Yến Chi / ANTĐ