Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH VN không chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở y tế tư nhân.
Người tham gia BHYT làm thủ tục thanh toán BHYT. Ảnh minh họa: H.A
Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng bệnh viện tư
Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc cho biết: Trong công văn 5163/BHXH-CSYT, ngày 17.11.2017, gửi BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính.
Cụ thể, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục ký hợp đồng KCB BHYT trong năm 2018 phải có thêm quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo Quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Ông Lê Văn Phúc khẳng định: “Theo quy định của Luật BHYT, để cơ quan BHXH ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT thì cơ sở y tế phải được phân hạng để xác định mức giá thanh toán và tuyến chuyên môn kỹ thuật để làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT của bệnh nhân khi KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu.
Đối với cơ sở y tế, việc được xếp hạng và phân tuyến còn là căn cứ pháp lý để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc và chuyển tuyến người bệnh. Các yêu cầu về ký hợp đồng KCB BHYT được cụ thể trong Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên bộ Y tế - Tài chính. Tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư này đã nêu rõ: Các cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT phải có Quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có); đối với cơ sở KCB ngoài công lập phải có Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền”.
Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, trên thực tế, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện tư nhân. Việc chậm ban hành đã gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan BHXH và các bệnh viện tư nhân trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng BHYT cho người bệnh.
Ông Phúc ví dụ: Cùng quy mô bệnh viện như nhau nhưng có địa phương thì áp mức giá tương đương hạng 3 và tạm phân tuyến huyện, có địa phương lại áp mức giá tương đương hạng 2 và tạm phân tuyến tỉnh. Đặc biệt, khi áp dụng quy định KCB thông tuyến huyện, đã xảy ra tình trạng các bệnh viện tư nhân được tạm xếp tương đương bệnh viện công lập hạng 2, tuyến tỉnh lại xin xuống hạng 3, tuyến huyện.
BHXH Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến cho các bệnh viện tư nhân để giải quyết các vướng mắc này.
Như vậy, việc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát các cơ sở KCB chưa đủ điều kiện để yêu cầu bổ sung các hồ sơ tài liệu để ký hợp đồng là phù hợp với quy định của Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong thực hiện Luật BHYT.
Lời giải cho vướng mắc hiện nay chính là việc Bộ Y tế cần kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xếp hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với bệnh viện tư nhân, hoặc ít nhất là có các tiêu chuẩn tạm thời làm căn cứ để đánh giá, xếp hạng... cho tất cả cơ sở y tế tư nhân tham gia KCB BHYT.
Lối mở cho bệnh viện tư
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã vừa thống nhất quan điểm về việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các BV tư nhân từ 1.1.2018. Theo đó, tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ sở khám chữa bệnh. Đối với cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu phải có tên trong danh sách cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT đã được Sở Y tế công bố.
Đây là một tin vui với hệ thống y tế tư nhân bởi trước đó, tháng 11 vừa qua, BHXH Việt Nam đã gửi công văn đến các bệnh viện tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được khám chữa bệnh bằng BHYT từ ngày 1.1.2018. Thông báo này đã khiến cho các cơ sở y tế ngoài công lập đã lo ngại khi các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, tức là hàng trăm bệnh viện tư nhân trên cả nước sẽ có nguy cơ phải đóng cửa vì mất bệnh nhân.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân phải có thêm quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các cấp thẩm quyền và biên bản thống nhất áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Tạm thời chưa ký hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định có tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ BHYT trong năm 2017.
Cũng theo BHXH Việt Nam, với những cơ sở khám chữa bệnh đề nghị ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trong năm 2018, đặc biệt là cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cần chú ý một số điểm. Trong đó, bệnh viện tư nhân cần tổ chức thẩm định kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, danh mục dịch vụ kỹ thuật để thống nhất áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương.
Gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tù đến 10 năm Người gian lận BHYT được xác định phạm tội chuyên nghiệp, hành vi xảo quyệt, gây thiệt hại từ 500.000 đồng trở lên sẽ chịu ... |
Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ vỡ quỹ BHYT sau 2019 Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, quỹ BHYT vẫn đang kết dư 47.000 tỷ nhưng nguy cơ đến năm 2019 sẽ sử dụng hết. |
Bệnh viện "bất lực" với bệnh nhân khám bệnh 300 lần trong hơn 1 năm Trường hợp bệnh nhân M.B.N (TP HCM) khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT hơn 300 lần ở hàng chục cơ sở y tế trong hơn ... |