Bệnh viện Mỹ lớn nhất thế giới chống chọi trong siêu bão Harvey

Do ảnh hưởng của bão Harvey, các bệnh viện ở Texas phải tính phương án di tản bệnh nhân, thiếu thốn thức ăn lẫn thuốc men.  
 

Với sức gió gần 210 km/h và 34 tỷ m3 nước trút xuống, cơn bão Harvey đổ bộ vào bang Texas được coi là cơn bão mạnh nhất 12 năm qua ở Mỹ. Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về đường phố, nhà cửa, bão còn ảnh hưởng không nhỏ đến Trung tâm Y tế Texas (TMC), khu phức hợp y tế lớn nhất thế giới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân đến bệnh viện

Theo Times, khi bão Harvey đổ bộ, hơn 106.000 nhân viên TMC đã chuẩn bị sẵn sàng song không ai có thể dự đoán khối nước khổng lồ. Sảnh Trung tâm Ung thư Anderson chẳng khác nào hồ bơi còn một số khoa khám bệnh trở thành những cái hào "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Đối với bệnh nhân và y bác sĩ bên trong viện, công việc vẫn được duy trì. Hầu hết bệnh viện con của TMC đều triển khai chiến lược "ẩn nấp tại chỗ", nghĩa là các nhân viên được chia ca và nghỉ ngơi ngay nơi làm việc để không phải về nhà. Kinh nghiệm từ nhiều cơn bão trước đây cho thấy đây là biện pháp hiệu quả nhất.

Do tác động của cơn bão, nhiều cơ sở hủy bỏ các ca phẫu thuật tự chọn và những cuộc hẹn không cần thiết. "Chúng tôi muốn chắc chắn có đủ thuốc men và nhân lực", ông Tom Flanagan, Phó Giám đốc đối phó khẩn cấp từ Bệnh viện Memorial Hermann thuộc TMC lý giải.

Một y tá đang chuẩn bị di tản bệnh nhân

Các ưu tiên khác bao gồm bệnh nhân cần hóa trị hoặc chạy thận. Mỗi người trong số họ đều được đảm bảo đã ở bệnh viện trước khi cơn bão đến, có thể đến bệnh viện sau khi bão tan hoặc tìm được cơ sở y tế khác.

Tại Bệnh viện Nhi Texas, đội ngũ nhân viên bắt đầu các ca trực kéo dài 12 giờ với nhiệm vụ chăm sóc 600 bệnh nhân. Bác sĩ kêu gọi phụ nữ dễ gặp biến chứng thai kỳ hoặc sắp sinh nở tới khách sạn ngay kề để tiện tới bệnh viện lúc lâm bồn. "Chúng tôi đánh giá từng bệnh nhân, từng sản phụ vì hiểu rõ các nguy cơ nếu họ vượt cạn mà không được trợ giúp", Cris Daskevich, Phó chủ tịch Bệnh viện Nhi Texas chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trong quá khứ, TMC đã trang bị cửa ngầm, nhờ đó ngăn nước tràn vào tầng hầm. Tuy nhiên, dù khô ráo bên trong, đường sá bên ngoài ngập úng khiến việc tiếp cận cơ sở y tế vô cùng khó khăn. "Tôi chưa bao giờ nghe thấy ít tiếng còi cứu thương như vài ngày qua", William McKeon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TMC nói. Chủ nhật, thời điểm cơn bão mạnh nhất, ngay cả trực thăng cũng không thể chuyển bệnh nhân tới viện bởi gió mạnh và cảnh báo lốc xoáy.

Xe cứu thương di tản bệnh nhân

Tại Bệnh viện Ben Taub, tình hình tồi tệ hơn do thiếu thốn thực phẩm. Nơi đây hiện tiếp nhận 350 bệnh nhân, trong đó 17-18 người cần dùng máy thở.

Ngày 28/8, đại diện Bệnh viện Ben Taub thông báo lượng thức ăn chỉ còn đủ cho một ngày rưỡi nên cần tiếp tế chậm nhất vào tối 29/8. Bên cạnh đó, một số trường hợp theo chế độ ăn kiêng đặc biệt dẫn tới khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp.

Trước tình hình mưa bão phức tạp, các bệnh viện thuộc TMC tiếp tục đánh giá, đưa ra giải pháp. Tính đến chiều thứ hai, ít nhất 21 cơ sở đã đóng cửa và di tản.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-my-lon-nhat-the-gioi-chong-choi-trong-sieu-bao-harvey-3634145.html

Theo Minh Nguyên/Vnexpress