Bệnh viện đầu tiên ở phía Bắc đạt Chứng nhận Vàng điều trị đột quỵ

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện thứ ba trong cả nước và đầu tiên ở miền Bắc đạt Chứng nhận Vàng điều trị đột quỵ. 

Để được cấp chứng nhận này, bệnh viện phải đạt các tiêu chí của Hội Đột quỵ châu Âu, trong đó quan trọng nhất là thời gian từ lúc bệnh nhân đến cửa bệnh viện đến khi được điều trị đặc hiệu dưới 60 phút.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết bệnh viện đạt được Chuẩn Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu, tức chất lượng điều trị đột quỵ ở bệnh viện đó tương đương với chất lượng ở châu Âu.

Hiện, Việt Nam có 2 bệnh viện khác được nhận Chứng nhận Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu là Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đầu tiên trong quân đội đạt chứng nhận này.

benh vien dau tien o phia bac dat chung nhan vang dieu tri dot quy
Bệnh nhân đột quỵ não được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trung tâm Đột quỵ não của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có khả năng tiếp nhận 80-90 bệnh nhân đột quỵ cấp. Năm 2018, trung tâm tiếp nhận điều trị cho 2.500 bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị đặc hiệu tái thông mạch chiếm khoảng 11% (tiêu chuẩn vàng của Hội Đột quỵ châu Âu chỉ cần trên 5%). Thời gian trung bình từ khi bệnh nhân đến cửa bệnh viện đến khi được điều trị tái thông mạch chỉ mất 55 phút (tiêu chuẩn thế giới là dưới 60 phút).

Trung tâm cùng với các khoa liên quan đã xây dựng nhóm cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Nhóm này có thể thực hiện hầu hết kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới như tái thông mạch máu tắc bằng dụng cụ cơ học, nút túi phình mạch não, phẫu thuật dẫn lưu ổ máu tụ dưới hệ thống định vị kết hợp tiêm thuốc tiêu huyết khối... Trung tâm này cũng thiết lập các nhóm cấp cứu trước viện có thể liên lạc qua nhiều phương tiện như Zalo, Viber.. nhờ đó đã có nhiều bệnh nhân được cấp cứu, điều trị sớm trong những giờ vàng.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong, 90% để lại di chứng. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ chỉ sau ung thư. Nếu được cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn khi nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý...

Đột quỵ gồm hai thể diễn biến là nhồi máu não và chảy máu não. Khung giờ vàng cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ là trước 4,5 giờ, khi đó bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu huyết khối. Sáu giờ kể từ khi đột quỵ, bác sĩ vẫn có thể can thiệp cơ học lấy huyết khối cho bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay chỉ 3,5% bệnh nhân đột quỵ kịp đến viện trong khung giờ vàng.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ là người bệnh đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể.; nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, khó diễn đạt; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.

Khi có người đột quỵ, tuyệt đối không cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng..., cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị càng sớm càng tốt.

Lê Nga

benh vien dau tien o phia bac dat chung nhan vang dieu tri dot quy Cách phòng ngừa đột quỵ của người Nhật

Người dân xứ hoa anh đào chăm vận động, khám sức khỏe định kỳ, ăn uống khoa học với thực phẩm lành mạnh như đậu ...

benh vien dau tien o phia bac dat chung nhan vang dieu tri dot quy Ăn quá ít cơm: nguy cơ bệnh tim, đột quỵ gia tăng!

Một nghiên cứu mới cảnh báo chế độ ăn low-carb, tức hạn chế tinh bột từ cơm, bánh mì, mì ống, khoai tây… có thể ...

/ VnExpress