Lupus ban đỏ là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một số chứng bệnh ở mặt như đỏ da, loét, teo da... Bệnh lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Đây là bệnh tự miễn và hay tái phát nên cần được phát hiện và chữa trị đúng phương pháp.
Bệnh lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn của các mô liên kết, chúng có thể gây ra những nguy hại đến mọi bộ phận cơ thể. Căn bệnh này giống với các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô.
Đối tượng dễ mắc bệnh lupus ban đỏ
Nổi ban đỏ |
Bệnh lupus ban đỏ hay gặp ở nữ giới, chủ yếu từ 20-40 tuổi. Đây là độ tuổi khỏe mạnh và có hệ miễn dịch phát triển tốt nhất.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh lupus ban đỏ ở phụ nữ sau khi sinh sẽ nặng hơn và có thể gây rối loạn nội tiết, estrogen tăng cao.
Lupus ban đỏ hệ thống
Tên tiếng Anh: Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus. Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm mạnh nhất đến cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thận, và hệ thần kinh. Quá trình phát triển bệnh rất khó đoán trước, có những giai đoạn bị ốm xen kẽ với những giai đoạn phục hồi. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50, và phổ biến hơn ở những người không có nguồn gốc châu Âu.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể điều trị được bằng cách điều trị các triệu chứng của bệnh, chủ yếu bằng các corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch; nhưng chưa có biện pháp chữa trị triệt để nào. Lupus ban đỏ hệ thống có thể nguy hiểm chết người, nhưng với những tiến bộ trong y học hiện nay, tử vong đang trở nên hiếm hơn. Tỉ lệ sống sót ở những bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở Hoa Kỳ, Canada, và châu Âu là khoảng 95% trong 5 năm, 90% trong 10 năm, và 78% ở 20 năm.
Lupus ban đỏ dạng đĩa
Thương tổn da điển hình và hay gặp là các dát đỏ có vảy dính khu trú ở những vùng hở như mặt, cổ, bàn tay... Các thương tổn này rất nhạy cảm với ánh nắng, nếu tiến triển lâu dài gây teo ở giữa (trông giống như cái đĩa nên gọi là “dạng đĩa”). Các vùng cơ thể bị nổi ban đỏ chủ yếu là ở gò má và gốc mũi, nhưng ban đỏ cũng có thể gặp ở da đầu cũng như ở phần khác của cơ thể. Ngược lại với lupus ban đỏ cấp tính rải rác cổ điển, lupus ban đỏ dạng đĩa có thể để lại sẹo. Vào giai đoạn bệnh bùng phát, người ta thấy da dày lên và bong vẩy.
Đây là thể nhẹ của lupus ban đỏ. Bệnh chỉ có thương tổn ở da, không có thương tổn nội tạng. Vì triệu chứng giới hạn ở da, nên tiên lượng của bệnh tốt. Bệnh nhân bị lupus dạng đĩa cũng có thể kèm viêm khớp. Người bệnh thường có cảm giác đau khớp giống như viêm khớp dạng thấp, nhưng tổn thương da vẫn nằm trong lupus dạng đĩa.
Khoảng 5% bệnh nhân bị lupus dạng đĩa chuyển sang giai đoạn bệnh lan toả rộng hơn, lúc này là giai đoạn của lupus hệ thống. Bản thân bệnh lupus ban đỏ cũng có thể làm người bệnh bị trầm cảm, mệt mỏi khó giải thích.
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/da-lieu/benh-lupus-ban-do-duoc-hieu-nhu-the-nao-384748.html