Bẫy giá trị thấp: Nếu doanh nghiệp còn bị ru ngủ...

''Nếu tiếp tục ru ngủ các doanh nghiệp bằng thành tích sẽ không tạo ra được động lực cho doanh nghiệp thay đổi, phát triển''.

Ông Nguyễn Đức Quyết - Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh nêu quan điểm trước nhận định của WB cho rằng Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tự gây khó

PV:- Thưa ông, Ngân hàng thế giới (WB) vừa đưa ra nhận định, Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu vì chỉ tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Ông có bất ngờ trước nhận định trên của WB không và vì sao? Ông bình luận như thế nào về khả năng chúng ta sẽ cải thiện được tình trạng này?

Ông Vũ Đức Quyết:- Tôi hoàn toàn không bất ngờ trước nhận định của WB. Nếu nhìn vào điều kiện phát triển hiện nay của Việt Nam có thể thấy cho tới thời điểm này chúng ta chưa hề xây dựng được một nền tảng vững chắc để sẵn sàng hội nhập, phát triển.

Bẫy giá trị thấp

Ngay từ thời điểm thực hiện chủ trương mở cửa thu hút đầu tư FDI, chúng ta cũng chưa chuẩn bị được gì, hoàn toàn không xây dựng được công nghệ nguồn. Chúng ta mở cửa đón khách mà trong tâm thế "tay không", bị động.

Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp lại yếu kém, trình độ phát triển thấp nên không đảm bảo được trình độ nhân lực chất lượng cao để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành.

Vì lẽ đó mà khi FDI vào Việt Nam, doanh nghiệp trong nước cũng chỉ có thể tham gia vào các công đoạn gia công, lắp ráp. Không thể khác.

Ở đây tôi phải nói ngay, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhanh hay chậm là hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước có thay đổi được để bắt kịp với xu hướng phát triển hiện tại hay không.

Hiện chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng Chính phủ nên tạo cơ chế riêng cho các địa phương tự định hướng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu có động lực đó, sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhanh hơn cũng như tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt hội nhập tốt hơn.

PV:- Liệu có thể coi đây là trái đắng đến giờ chúng ta phải nếm trải, hệ lụy của việc trải thảm đỏ ưu đãi cho khối doanh nghiệp nước ngoài hay không? Xin ông phân tích cụ thể?

Ông Nguyễn Đức Quyết:- Tôi lại cho rằng đánh giá như vậy là hơi chủ quan.

Chúng ta từ một nền công nghiệp quá thấp, nếu không muốn trải thảm đỏ thì sẽ không thể thu hút được đầu tư nước ngoài. Nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam khó có thể hình thành lên những chuỗi giá trị để kết nối được giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Tất nhiên, tôi cũng thừa nhận hiệu quả sự kết nối trong chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài là chưa cao, tỷ lệ còn rất khiêm tốn.

Ở đây phải thừa nhận có điểm yếu từ chính phía các doanh nghiệp Việt, từ các nhà hoạch định chính sách tới cả phía những nhà nghiên cứu kinh tế.

Điểm yếu dễ thấy nhất là sự chậm chạp trong nhận thức. Sự chậm chạp trên khiến chúng ta rơi vào thế bị động, sau bao nhiêu năm mở cửa mà bây giờ vẫn cứ loay hoay đi tìm đường để tham gia được vào chuỗi giá trị, loay hoay tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị đó.

Đến một vấn đề rất đơn giản là phân biệt khái niệm công nghiệp phụ trợ hay công nghiệp hỗ trợ thôi mà cũng phải tranh cãi cả chục năm mới ra được vấn đề.

Gần đây, tôi thấy có tin hiệu rất đáng vui mừng đó là quyết tâm sản xuất ô tô của Vingroup. Rõ ràng cho tới lúc này nhận thức của Vingroup đã khác hoàn toàn với Vinaxuki thời kỳ trước. Vingroup đã chọn lối đi là bắt tay với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới và tìm mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng sản xuất các linh kiện, kỹ thuật. Bước đi của Vingroup rất thận trọng, có sự tính toán kỹ lưỡng. Tôi tin họ sẽ thành công.

Nói như vậy để thấy rằng, chủ trương thu hút FDI là rất đúng đắn. Nhưng nếu chỉ dựa vào những ưu tiên, ưu đãi sẽ không thể giữ được chân các doanh nghiệp FDI.

Chất lượng sản phẩm cung ứng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, mức độ công nghệ nhất định. Nếu không đạt tới được một trình độ nhất định, chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện, mà những lợi thế về lao động, thuế, phí cạn dần thì chẳng khác nào chúng ta tự gây khó cho chính chúng ta.

PV:- Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam vẫn có khả năng hưởng lợi từ việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Theo ông, đây có phải là một nhìn nhận lạc quan hay không bởi lẽ, bằng số liệu từ Tổng cục Thống kê, một chuyên gia kinh tế đã chứng minh, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có xu hướng giảm trầm trọng?

Ông Nguyễn Đức Quyết:- Tôi thì vẫn có cái nhìn lạc quan hơn. Theo tôi, nhận định cho rằng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có xu hướng giảm có lẽ mới chỉ được nhìn nhận ở góc độ thuần túy là giá trị lao động của Việt Nam ngày càng tăng lên.

Có thể từ góc độ đó mà họ đưa ra nhận định như vậy. Cũng có thể, nhận định trên là đứng ở góc độ kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, phát triển công nghệ, kỹ thuật thì không chỉ nhìn từ góc độ vĩ mô. Tính toán cụ thể như thế nào tôi cũng chưa được tiếp cận, tuy nhiên, tôi cũng cho rằng đó là một kênh để các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lại cơ chế, chính sách cho phù hợp. Làm sao, điều chỉnh trong thời gian tới để nền kinh tế của chúng ta tăng về lượng nhưng cũng phải tăng cả về chất nữa.

Vẫn ở vạch xuất phát

PV:- Về vấn đề này, thậm chí, nhiều người còn cho rằng, Việt Nam đã bị rơi vào bẫy giá trị thấp, bởi chúng ta không có nền tảng về kỹ thuật và nhân lực để có thể được hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị. Ông có chia sẻ với nhận định này không và vì sao? Làm thế nào để cải thiện tình trạng này và thời điểm này, Việt Nam mới thay đổi liệu còn kịp không?

Ông Nguyễn Đức Quyết:- Nhận định trên hoàn toàn không sai. Việt Nam hiện đúng là đã rơi vào bẫy giá trị thấp, chúng ta không thoát ra được bởi chúng ta không có nền tảng về kỹ thuật và nhân lực để tham gia sâu hơn vào những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong toàn chuỗi giá trị.

Nói thì có vẻ bi quan nhưng quả thật sau mấy chục năm mở cửa thu hút thì tới nay chúng ta vẫn chỉ đứng ở vạch xuất phát.

Bản thân tôi hiện đang thực hiện chương trình cải tiến doanh nghiệp, mục đích là lựa chọn ra nhiều doanh nghiệp thuần Việt để gia nhập vào chuỗi giá trị của Samsung. Qua tiếp xúc tôi thấy, sự nhận thức cải tiến doanh nghiệp của doanh nghiệp thuần Việt rất chậm chạp.

Sau 3 năm thực hiện, tới nay chúng tôi chỉ lựa chọn được những doanh nghiệp Việt nhưng có yếu tố nước ngoài (tức là có người đã làm ở công ty nước ngoài hoặc được đào tạo ở nước ngoài...) vì họ được tiếp thu những kiến thức quản trị từ nước ngoài để thực hiện cải tiến doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung.

Thực tế trên có nguyên nhân từ sự thụ động, sợ rủi ro của doanh nghiệp Việt. Tôi phải nói thẳng, đây là tâm lý của DNNN, quen được bao bọc, nâng đỡ và luôn chờ đợi có người đứng ra chịu trách nhiệm cho họ một phần. Do đó, có nhiều doanh nghiệp tới nay vẫn đi tìm kiếm một cơ quan đỡ đầu, bảo lãnh cho mình để chia sẻ rủi ro. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp thuần Việt.

Vì lý do trên mà trong chương trình đào tạo của mình chúng tôi đã lựa chọn những doanh nghiệp Việt nhưng có yếu tố nước ngoài. Với lựa chọn trên, chúng tôi mong muốn có thể tạo ra được nền tảng ban đầu, tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước bắt nhịp theo.

Bên cạnh đó, tôi vẫn cho rằng vai trò của các Hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những trương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Điều quan trọng hơn tôi vẫn cho rằng, các doanh nghiệp Việt cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi thái độ, cách thức tiếp cận cũng như cách thức truyền đạt thông tin. Tránh tình trạng ru ngủ các doanh nghiệp bằng những thành tích, thành tựu, nếu để các doanh nghiệp bị ru ngủ bằng thành tích sẽ không tạo ra được động lực cho doanh nghiệp thay đổi, phát triển.

PV:- Nếu thực sự rơi vào bẫy giá trị thấp thì diện mạo nền kinh tế VN sẽ thế nào? Ai là người sẽ chịu thua thiệt nhiều nhất trong kịch bản xấu này?

Ông Nguyễn Đức Quyết:- Đây cũng là điều tôi rất lo ngại. Nếu Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập thấp, bẫy công nghệ thấp... thì rõ ràng hậu quả nhìn thấy không cần nói ai cũng biết. Khi có sự biến động như vậy, người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là những người công nhân lao động của Việt Nam.

Về mặt kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam vốn rất lạc hậu nếu không thể bứt được lên hoặc bứt lên quá chậm chạp trong khi các nước lại bước đi rất nhanh thì rõ ràng nền kinh tế quốc gia sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Như vậy sẽ rất nguy hiểm.

PV:- Xin cảm ơn ông!

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bay-gia-tri-thap-neu-doanh-nghiep-con-bi-ru-ngu-3342894/)

Nghịch lý: Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “trên giấy”

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam - chỉ ra nghịch lý trong bức tranh cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp ...

Việt Nam nguy cơ \'nghèo ổn định\' nếu giữ cách làm ăn cũ

Theo WB, nếu không sớm thay đổi, Việt Nam có nguy cơ kẹt trong bẫy giá trị gia tăng thấp và đồng nghĩa dính bẫy ...

Nhìn vào hành động của Chính phủ sẽ thấy hình ảnh của doanh nghiệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa bao giờ vai trò, vị trí của ...

Vòng luẩn quẩn của kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng xuất khẩu lệ thuộc vào khu vực FDI, sản xuất công nghiệp ngày càng mang nặng tính gia công nhưng phần Việt Nam ...

/ Theo Hoài An/Báo Đất việt