Tăng trưởng xuất khẩu lệ thuộc vào khu vực FDI, sản xuất công nghiệp ngày càng mang nặng tính gia công nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít.
Lệ thuộc FDI, giá trị nhận ngày càng ít
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của HSBC cho biết mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II đạt 6,2% cao hơn so với dự báo trước đó của ngân hàng này (5,9%), nhờ vào kết quả hoạt động khả quan ở hai lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, HSBC lưu ý, khu vực FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu, trong khi xuất khẩu từ khối trong nước (bao gồm DNNN) gần đây đã tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cũng như trước đây, tăng trưởng trong khối đầu tư nước ngoài luôn luôn cao hơn tăng trưởng của khối trong nước. Mặc dù đây không phải là một hiện tượng mới, các khuynh hướng này cho thấy tiềm năng của đất nước trong quá trình chuyển dịch theo hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, để thúc đẩy sản xuất nội địa và cải thiện vị thế thương mại”, báo cáo nhấn mạnh.
Cũng nhấn mạnh về việc tăng trưởng của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào FDI, trong nghiên cứu Phân tích cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam qua một số chỉ số vĩ mô, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ rõ: Giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp và công nghiệp đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2007-2015.
Nhóm ngành công nghiệp giảm từ 34,7% năm 2007 xuốn chỉ còn 21,7% năm 2015. Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước, nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện.
Tăng trưởng của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào FDI. Ảnh minh họa |
"Với cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít, như vậy với sự hứng thú với công nghiệp hóa như vẫn đang hiểu có thể là không hiệu quả mà chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại.
Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu. Cấu trúc kinh tế như hiện nay thì hội nhập không phải là điều để có thể mừng", ông Bùi Trinh chỉ rõ.
Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong các giai đoạn, chuyên gia Bùi Trinh cho biết thêm: Trong 10 năm xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13.3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%).
"Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công mà còn gây nên nhập siêu mạnh.
Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỷ USD", vị chuyên gia phân tích.
Ông nhận định, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu.
Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa không phát triển
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh minh chứng nhận định trên qua nghiên cứu tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2014.
Theo đó, nhập siêu có cao hay thấp thì GDP vẫn tăng trưởng khá trong giai đoạn hầu hết các năm. Năm 2014, xuất siêu hàng hóa khoảng 3 tỷ USD, tăng trưởng GDP đạt được 5.98%, Năm 2015 nhập siêu hàng hóa khoảng 3,2 tỷ USD, GDP lại đạt tăng trưởng cao hơn rất nhiều (theo ước tính xấp xỉ 6,7%).
Năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tỷ lệ này tăng lên xấp xỉ 67% trong năm 2015,. Việc xuất siêu hay nhập siêu hoàn toàn do khu vực FDI mang lại, nếu cả năm 2013 xuất siêu của khu vực này là 13 tỷ USD thì trong 9 tháng năm 2014 xuất siêu của khu vực này đã là 12,7 tỷ USD; nhìn lại chuỗi số liệu cho thấy suốt từ năm 2000 đến 2015 khu vực FDI luôn suất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu; từ năm 2012 đến nay khu vực FDI có xu hướng xuất siêu mạnh mẽ.
Từ năm 2005 đến 2015 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% năm 2005 tăng lên 67% trong năm 2013, nhưng thật ngạc nhiên tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đáng kể (từ 15,2% năm 2005 và 18,07% năm 2015).
"Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng, mặt khác điều này cũng cho thấy sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn", ông nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia, cấu trúc về sở hữu cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi cấu trúc nào đáng kể.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực sở hữu này trong GDP rất thấp trong (dưới 8%) và không hề thay đổi trong suốt từ 19 năm (2005 – 2015).
Điều này lý giải khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi gì và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi.