Sự kiện bỏ phiếu bầu vị tổng thống thứ 43 trở thành một trong những bê bối chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ.
Người Mỹ sẽ không thể quên năm 2000, khi việc họ lựa chọn vị tổng thống thứ 43 của mình đã trở thành nỗi xấu hổ của đất nước bởi sự kiện đã bị biến thành cuộc chiến chính trị kéo dài và đầy tranh cãi.
37 ngày hỗn loạn của nước Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 ghi dấu sự cạnh tranh khốc liệt giữa Phó tổng thống Al Gore, ứng viên của đảng Dân Chủ và Thống đốc bang Texas George W. Bush, con trai lớn của cựu Tổng thống George H. W. Bush và cũng là ứng viên của đảng Cộng hòa.
Theo đánh giá của giới quan sát và dư luận lúc bấy giờ, cả hai ứng cử viên đều có ưu và nhược điểm riêng, không tỏ ra vượt trội so với đối thủ để có thể nắm chắc phần thắng trong cuộc chạy đua giành ghế lãnh đạo Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử năm 2000 vẫn là cuộc đua vào Nhà Trắng gây tranh cãi nhất từ trước tới nay. (Ảnh: USA Today) |
Ngày bầu cử 7/11, 97 triệu cử tri, tương đương một nửa của 200 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, không ai có thể đoán được vị lãnh đạo đất nước tương lai cho đến phút chót.
Cuộc đua được quyết định ở Florida, nơi có 25 phiếu đại cử tri lúc đó.
Vào 8 giờ tối ngày 7/11/2000, cả 5 đài lớn của Mỹ (CNN, NBC, Fox, CBS, ABC và MSNBC), dựa trên thăm dò sau bầu cử, đều tuyên bố Al Gore thắng ở Florida và thắng chung cuộc.
Thật bất ngờ, sau đó 2 tiếng, tất cả các đài truyền hình Mỹ rút lại dự đoán, đồng thời cho biết bang Florida chưa chắc thuộc về Al Gore vì số phiếu ủng hộ ông Bush đang tăng nhanh chóng.
Thế giằng co kéo dài đến quá nửa đêm, khi hai bang New York và California rốt cuộc đều ngả về phía ông Al Gore.
Những người ủng hộ ông Al Gore và đảng Dân chủ biểu tình phản đối phán quyết của Tòa Tối cao liên bang Mỹ. (Ảnh: ABC) |
2h30 sáng hôm sau, Florida kiểm được 85% số phiếu, ông Bush dẫn trước ông Gore tới hơn 100.000 phiếu. Các đài lại đua nhau tuyên bố ông Bush chiến thắng. Al Gore thực tế đã gọi điện chấp nhận thua cuộc.
Tưởng đã xong, tới 4h30 sáng, khoảng cách giữa hai ứng viên chỉ còn 2.000 phiếu, các đài rút lại dự đoán ông Bush thắng. Cùng lúc, ông Gore rút lại tuyên bố thua cuộc.
Theo luật của Florida, khoảng cách giữa hai ứng viên quá sát và chừng đó là đủ để yêu cầu phải đếm lại phiếu.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?
Tới sáng 8/11, khoảng cách giữa hai ứng viên chỉ còn vẻn vẹn 1.700 phiếu. Cách biệt quá nhỏ, chưa đầy 0,5% tổng số phiếu bầu của bang không đủ đem lại chiến thắng cho ông Bush. Chính quyền bang buộc phải đếm lại phiếu.
Ngày 26/11, Ủy ban bầu cử Florida tuyên bố ông Bush thắng sít sao nhờ hơn đối thủ 537 phiếu, chỉ tương đương gần 0,009% trong tổng số 6 triệu lá phiếu bầu tại bang này.
Tất nhiên, ông Al Gore không chấp nhận kết quả này. Gore tiến hành khởi kiện, bắn phát súng tuyên chiến vào nền chính trị phức tạp của nước Mỹ, biến cuộc bầu cử trở thành bê bối chưa từng có, kéo dài tới 37 ngày.
Ngày 9/12, Tòa Thượng thẩm Florida tái kiểm toàn bộ phiếu bầu, đặc biệt là hơn 70.000 phiếu bị máy kiểm đếm loại trừ trước đó. Vài hạt đã ôm thùng phiếu ra đếm lại. Các nỗ lực kiểm phiếu độc lập cho những kết quả rất khác nhau, lần thì Al Gore thắng, lần thì Bush thắng, nhưng số phiếu chỉ chênh nhau vài trăm phiếu. Một sự hỗn loạn vô cùng tại các điểm đếm phiếu.
Không đầy 24 giờ sau, hy vọng mong manh của ứng viên Al Gore lại tắt ngúm khi Toà Tối cao liên bang đã vô hiệu hóa quyết định. Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa Tối cao liên bang ngày 12/12 chính thức tuyên bố, lệnh tái kiểm phiếu của Tòa Thượng thẩm Florida là "vi phạm hiến pháp".
Phán quyết gây tranh cãi đó đồng nghĩa với việc ông Bush có thêm 25 phiếu đại cử tri của bang Florida, nâng tổng số phiếu đại cử tri giành được lên con số 271. Số phiếu đại cử tri của Al Gore là 266.
Ông Bush trở thành vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, dù ít hơn 544.000 phiếu phổ thông tính trên cả nước so với ứng viên Dân chủ.
Ông Bush trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43 sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi. (Ảnh: CNN) |
Phe Dân chủ tất nhiên không công nhận kết quả. Họ cáo buộc phe Cộng hoà đã loại hơn 54.000 lá phiếu ở Florida với lí do những người bỏ phiếu mất quyền bầu cử vì đang phạm pháp, dù thực tế phần lớn họ vẫn còn quyền bỏ phiếu hợp pháp theo quy định của bang.
Những người ủng hộ ông Al Gore cũng tỏ ra hoài nghi về các hạt có số phiếu cao bất thường. Ngoài ra, bê bối "phiếu đục lỗ lấp lửng" (cử tri dùng máy đục một lỗ trên phiếu, ở giữa hai cái tên thay vì bên cạnh tên của ứng cử viên họ chọn) cũng khiến máy kiểm đếm hiểu nhầm, xếp nhiều phiếu vào dạng không hợp lệ.
Song, những nghi ngờ về độ tin cậy của hệ thống bầu cử ở Florida không đủ để ứng viên Dân chủ có thể đảo ngược tình thế. Ông Bush cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống được coi là kịch tính và gay cấn nhất lịch sử Mỹ. "Chưa từng có cuộc bầu cử tổng thống nào xảy ra với luật lệ bị phớt lờ, thời hạn bị thay đổi và những điều luật mới tinh từ trên trời rơi xuống như vậy", tờ U.S. News & World Report bình luận.
Bê bối 2000 sẽ tái hiện?
Kịch bản cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang có những điểm tương đồng với cuộc đua cách đây 20 năm.
Đến nay, khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang dần khép lại thì cơ hội của đương kim Tổng thống Donald Trump đang hẹp dần. Theo Fox News, đương kim Tổng thống Donald Trump tỏ ra bất lợi hơn đối thủ Biden. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden hiện có 264 phiếu đại cử tri, cần thêm 6 phiếu để thắng cử, trong khi ông Trump chỉ mới giành được 214 phiếu.
Các bang chiến trường là Nevada, Bắc Carolina, Georgia và Pennsylvania đang bước vào thời khắc kiểm phiếu cuối cùng trước khi công bố kết quả. Cách biệt giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ trong cuộc kiểm phiếu đang diễn ra cực kỳ sít sao.
Theo thống kê của Fox News, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cần thêm 6 phiếu để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46. Như vậy, ông Biden chỉ cần thắng một trong 4 bang Pennsylvania, Georgia, Bắc Carolina và Navada sẽ thắng cử. Do đó, cơ hội tái đắc cử của ông Trump trở nên mong manh.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có thể được định đoạt tại tòa. (Ảnh: AP) |
Đứng trước viễn cảnh có thể thua phiếu trước Biden tại một trong các bang còn lại, Trump và nhóm chiến dịch của mình đã chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý trước tòa với hy vọng lật ngược tình thế, phản đối kết quả tại các bang chiến trường có thể quyết định kết cục cuộc đua Nhà Trắng.
Đến nay, nhóm tranh cử của ông Trump đã đâm đơn kiện lên các bang như Pennsylvania, Michigan, Georgia và Nevada, yêu cầu xem xét lại quy trình kiểm phiếu, yêu cầu ngừng kiểm phiếu ở những bang này.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông mong đợi Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có 3 thẩm phán do chính ông bổ nhiệm, sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng. Ông Trump vừa qua đã liên tục thúc giục Thượng viện nhanh chóng xác nhận bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tối cao.