Bầu cử sớm, tranh cử gấp

Ở Hàn Quốc, sau khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, cuộc bầu cử Tổng thống mới đã được ấn định vào ngày 3-6 tới.

Các ứng cử viên Tổng thống phải gấp gáp tổ chức và thực hiện ngay cuộc vận động tranh cử bởi thời gian vận động tranh cử không còn nhiều.

Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có Chủ tịch đảng Dân chủ, thủ lĩnh phe đối lập Lee Jae Myung và cựu chủ tịch đảng Quyền lực nhân dân (PPP) mà Tổng thống vừa bị Tòa án Hiến pháp phế truất là thành viên, ông Han Dong Hoon, chính thức ứng cử. Nhiều vị khác nữa, đại đa số thuộc đảng PPP, đã để lộ chủ định sẽ ra ứng cử.

Ở cuộc bầu cử Tổng thống định kỳ hồi năm 2022, ông Yoon Suk Yeol đã thắng ông Lee Jae Myung song chênh lệch phiếu bầu rất mong manh. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày vừa qua ở Hàn Quốc đều cho thấy, ông Lee Jae Myung hiện có được nhiều triển vọng đắc cử nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn sắp tới.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol được nhìn nhận chung là hành động giải cứu nền dân chủ của xứ sở Kim chi sau khi ông Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật ở Hàn Quốc. Quyết định này và những diễn biến tiếp theo trong Quốc hội và xã hội đã đẩy Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng như chưa từng thấy ở đất nước này kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây.

Nguyên nhân chính là sự bất hợp tác giữa hai phe cánh chính trị chính ở Hàn Quốc là phe đảng PPP của ông Yoon Suk Yeol và phía đảng Dân chủ của ông Lee Jae Myung. Người của phe đảng PPP (ông Yoon Suk Yeol) làm Tổng thống nhưng phe đối lập lại kiểm soát Quốc hội từ sau cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái.

So với thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống trước đó, tình hình chính trị - xã hội hiện tại ở Hàn Quốc khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Phán quyết của Tòa án Tối cao phế truất ông Yoon Suk Yeol đã đưa đến cuộc bầu cử Tổng thống sớm hơn định kỳ nhưng không có nghĩa là cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực nhà nước và khủng hoảng chính trị - xã hội hiện tại đã được khắc phục.

Kinh tế đất nước tăng trưởng khó khăn, giá cả sinh hoạt gia tăng, dân số già hóa nhanh, giới trẻ khó khăn trong tìm kiếm công ăn, việc làm. Cuộc chiến thuế quan bảo hộ thương mại của chính quyền mới ở Hoa Kỳ làm cho Hàn Quốc thêm khó khăn và khó xử cả về đối nội cũng như đối ngoại.

Trong nhìn nhận của Hàn Quốc, những thách thức và đe dọa an ninh từ Triều Tiên, đặc biệt từ chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia láng giềng này, ngày càng gia tăng. Bối cảnh tình hình chính trị đối nội, đối ngoại và an ninh như thế đòi hỏi phải có sự đồng thuận thật sự và sâu rộng trong nội bộ chính trường và xã hội, giữa Tổng thống và Quốc hội để cùng nhau đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và vượt qua được những khó khăn.

Kiến tạo nên sự đồng thuận này sẽ là thách thức lớn nhất và khó vượt qua nhất đối với người sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Hàn Quốc, bất kể người đó thuộc phe cánh chính trị nào. Đảng Dân chủ của ông Lee Jae Myung hiện kiểm soát Quốc hội nhưng phe cánh ủng hộ ông Yoon Suk Yeol và ủng hộ đảng PPP vẫn rất mạnh. Nếu tất cả các bên liên quan đến canh bạc quyền lực mới này đều không lưu ý thỏa đáng đến những bài học đắt giá đối với Hàn Quốc từ những gì xảy ra trong thời gian vừa qua, để điều chỉnh lại quan điểm chính sách và định hướng lại hành động, thì khủng hoảng chính trị quyền lực và chính trị - xã hội sẽ khó có thể sớm chấm dứt.

Đại sứ Trần Đức Mậu 

 
Theo HNMO