- Nhóm tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Harris chi 370 triệu USD tiền quảng cáo
- Chiến dịch tranh cử của ông Trump bị tấn công mạng
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 20/8 (giờ địa phương) đã chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2024, trực tiếp cạnh tranh với ứng viên đảng Cộng hòa là ông Donald Trump. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang có những động thái rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho "cuộc chiến" sắp tới trên đấu trường chính trị.
Trước đó, tại cuộc bỏ phiếu trực tuyến của Ủy ban Quốc gia Dân chủ kết thúc ngày 5/8, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhận được 99% số phiều bầu từ các đại biểu tham dự. Với chiến thắng gần như tuyệt đối, bà Harris đã trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, là người phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên được một chính đảng lớn ở Mỹ đề cử trong lịch sử.
Sau kết quả bỏ phiếu chính thức diễn ra vào tối 20/8 (sáng 21/8 theo giờ Hà Nội), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được phê chuẩn là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 11 tới. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong khuôn khổ Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở thành phố Chicago, thuộc bang Illinois (Mỹ). Phát biểu trước những người ủng hộ tại Diễn đàn Fiserv Forum của Milwaukee, bà Kamala Harris nói: "Chúng tôi rất vinh dự khi được mọi người đề cử. Đây là một chiến dịch do mọi người thúc đẩy và chúng ta sẽ cùng nhau vạch ra một con đường mới phía trước".
Dễ nhận thấy rằng bà Harris đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và sự kỳ vọng lớn từ đảng Dân chủ trong nỗ lực giành lấy chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Trong đêm khai mạc đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ hôm 19/8, Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi di sản của mình và trao "ngọn đuốc" lãnh đạo đảng cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Theo đó, ông Biden đánh giá cao Phó Tổng thống Harris về mặt chính trị, miêu tả bà là một người "có lòng chính trực, cứng rắn và giàu kinh nghiệm". Quyết định chọn bà Harris làm người đồng hành tranh cử trong chiến dịch năm 2020, theo ông Biden, là một trong những quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của ông. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama ngày 21/8 cũng đã kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ bà Kamala Harris trong thông điệp gửi tới đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. "Ngọn đuốc đã được truyền lại. Bây giờ đã đến lúc tất cả chúng ta phải chiến đấu vì nước Mỹ mà chúng ta tin tưởng và không mắc sai lầm. Đó sẽ là một cuộc chiến", ông Obama nói.
Trên thực tế, các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Kamala Harris đang dẫn trước với sự chênh lệch nhẹ về tỉ lệ ủng hộ so với đối thủ cạnh tranh ông Donald Trump. Sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua, bà Harris đã nhanh chóng chứng tỏ sức mạnh và sự đoàn kết của đảng, mở ra một chương mới cho chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ. Cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất từ ABC News cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 51% so với 45%. Tương tự, một cuộc khảo sát của YouGov cũng cho thấy bà Harris có lợi thế nhỉnh hơn 3%. Điều này đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt so với tình hình trước đây, khi Tổng thống Biden đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực. Bà Harris cũng đang dẫn đầu trong một cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất của tổ chức FiveThirtyEight, với tỷ lệ ủng hộ 46,6% so với 43,8% dành cho ông Trump, đồng thời dẫn trước trong một số cuộc thăm dò tại các bang chiến địa.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và ứng cử viên Donald Trump cũng đã nhận thấy những thay đổi này và đang tích cực điều chỉnh chiến lược để đối phó với chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và bà Harris. Theo đó, tuần này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, với nhiều sự kiện vận động diễn ra tại các bang chiến địa quan trọng. Ngày 19/8, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã công bố một loạt chính sách kinh tế khi vận động tranh cử tại Pennsylvania - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới các bang chiến địa trong tuần này. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một nhà máy ở York, cựu Tổng thống Donald Trump chủ yếu bám sát vào những phát biểu đã được chuẩn bị trước, khi chỉ trích cách tiếp cận của đối thủ Kamala Harris đối với các vấn đề kinh tế và năng lượng. Ông cam kết bãi bỏ quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về hạn chế ô nhiễm nhà máy điện, đồng thời nhắc lại cam kết hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường nội địa và 100% các mặt hàng thiết yếu đều là của Mỹ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới.
Dự kiến, ông Trump sẽ di chuyển đến Michigan để thảo luận về các vấn đề liên quan đến tội phạm và vấn đề an toàn trong những ngày tới. Trong một sự kiện diễn ra tại North Carolina, cựu Tổng thống Trump sẽ cùng Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia. Vào cuối tuần, ông Trump dự kiến sẽ đến khu vực biên giới phía Tây Nam ở Arizona để nói về nhập cư trước khi tiếp tục đến Arizona và Nevada vào ngày 23/8. Reuters nhận định, đây là tuần vận động tranh cử bận rộn nhất của ông Trump kể từ mùa Đông, khi ông phải đối mặt với những đối thủ trong nội bộ đảng Cộng hòa liên quan đến cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này. Giới quan sát cho rằng, việc ông Trump vận động tranh cử tại các bang chiến địa không chỉ phản ánh sự cần thiết phải điều chỉnh chiến lược của đảng Cộng hoà mà còn cho thấy sự tập trung vào những vấn đề quan trọng đối với cử tri ở những khu vực này. Đặc biệt, cựu Tổng thống Trump đang tìm cách làm nổi bật các chủ đề như kinh tế, an toàn công cộng, và nhập cư, những vấn đề mà đảng Cộng hòa tin rằng sẽ tạo ra lợi thế trong "cuộc chiến" tranh cử.