Từng tốp tài xế trong trang phục áo xe ôm công nghệ Grab tụm năm, tụm ba đứng rải rác khắp khu vực bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát... (Hà Nội). Đáng chú ý, đa số các tài xế này thường xuyên chỉ đứng đợi khách một chỗ (như xe ôm truyền thống), để chào mời khách đi xe ôm mà không dùng bất cứ ứng dụng công nghệ gì và cùng với đó là giá cả “trên trời”…
Nhiều GrabBike vẫn “vợt” khách ngoài ứng dụng, mời chào, ngã giá tự do với khách hàng. Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Trở thành GrabBike “nhái” rất dễ dàng
Ghi nhận của PV Lao Động nhiều ngày quanh các khu vực bến xe (BX) lớn tại Hà Nội như BX Mỹ Đình, BX Giáp Bát, các khu vực trung chuyển, điểm chờ xe buýt, có khá nhiều xe ôm vây quanh. Đáng chú ý, thời gian gần đây, luôn có rất đông người mặc áo, đội mũ có chữ GrabBike có mặt ở khắp mọi nơi, ngóc ngách những khu vực trên.
PV Lao Động đã thực hiện cuộc khảo sát, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm quần áo, mũ Grab… trên mạng xã hội ngay lập tức cho ra hàng loạt các kết quả như: Áo khoác Uber - Grab, nón Uber - Grab, tự tin lái xe. Giá bán sỉ (5 sản phẩm) có giá là 105.000 đồng/áo, 85.000 đồng/nón. Giá bán lẻ là 125.000 đồng/áo, 110.000 đồng/nón. Hay “set full bộ Uber” có giá là 310.000 đồng. Đó là trên mạng, còn thực tế thì cũng phong phú không kém. Tình trạng áo, mũ Grab… cũng nhan nhản nơi các cánh tài xế đang hoạt động tại các bến xe.
Qua khu vực bến xe tại khu vực đường Nguyễn Hoàng (gần cổng vào BX khách Mỹ Đình), chúng tôi gặp 1 người đàn ông khoảng 40 tuổi, trên tay cầm chiếc áo khoác Grabbike màu xanh. Khi hỏi nhu cầu muốn mua áo, mũ của hãng này, người đàn ông nói ngay: “Muốn mua loại gì? Như thế nào”, rồi “hét” với giá, 250.000/1 áo khoác, 100.000 đồng/mũ. Tìm đến 1 người lái xe ôm tên T., cũng trong trang phục Grab nhưng không bật ứng dụng đang vẫy khách, người này cho biết: Áo khoác có mũ bây giờ không còn nữa. Mua bộ này bây giờ đắt lắm, nếu có mua mũ thì tôi bán cho. Còn áo thun Grab mới có giá là 120.000 đồng/áo.
Cánh tài xế xe ôm tại đây rỉ tai nhau, nếu muốn mua bộ quần áo chính hãng thì cầm theo chứng minh, bằng lái xe, hộ khẩu lên trụ sở của Grab mà đăng ký, về lấy quần áo là chạy được xe. Cái đầu tiên đăng ký là 70.000 đồng, cái thứ 2 là 100.000 đồng, cái thứ 3 thì sẽ có giá cao hơn… Do đó, những bộ quần áo nếu bán ra ngoài giá sẽ cao.
Thật, giả trà trộn
Theo tìm hiểu của PV, những khu vực nhà ga, BX không phải ai mặc áo, mũ màu xanh grab cũng là “GrabBike” xịn. Nhiều tài xế xe ôm trong trang phục áo, mũ Grab nhưng không hề bật ứng dụng, đứng yên một nơi bắt khách không khác gì xe ôm truyền thống. Nhiều người trong số họ là lái xe ôm truyền thống, xe ôm thân thiện hoặc những người từng chạy Grab nhưng vì vi phạm quy định mà bị khóa tài khoản... Tuy nhiên, cánh tài xế xe ôm này thường đứng tụ tập tại các BX trong trang phục “màu xanh truyền thống” để tăng thêm niềm tin cho khách hàng. Mỗi khi có khách đi ra từ BX, xe khách dừng đỗ, trả khách là họ ra sức vẫy gọi, mời chào bằng những câu như “về đâu em ơi”, “xe ôm giá rẻ đây”,…
Lúc 10h30 ngày 22.3, 1 chiếc xe khách vừa đáp xuống địa điểm số 1 đường Nguyễn Hoàng (ngay cạnh BX Mỹ Đình), nhiều tài xế xe ôm đã ngay lập tức có mặt trước cửa xe đón. Một xe ôm trong trang phục Grab ngay lập tức cầm theo mũ đón 2 khách vừa xuống. Sau một hồi ngã giá chào nhau, tài xế xe ôm BKS 29 Y6 - 28xx này đã ngang nhiên “cân 3” mà không cần bật ứng dụng.
Vào lúc 12h05 ngày 22.3, cũng tại khu vực trên, 1 tài xế xe ôm trong trang phục áo, mũ GrabBike điều khiển xe BKS 18F1- 048xx cũng lượn lòng vòng đón khách dọc khu vực BX Mỹ Đình… Và chỉ trong buổi sáng, cảnh tài xế xe ôm mặc áo công nghệ Grab nhưng “vợt” khách ở ngoài xảy ra nhan nhản, không đếm xuể.
Tại khu vực BX Giáp Bát, “đội quân áo xanh” cũng phủ quanh khu vực đón, trả khách. Trong vai 1 hành khách vừa bước xuống xe, ra cổng trên đường Giải Phóng, chúng tôi đã ngay lập tức được 4 đến 5 tài xế mặc trang phục Grab mời mọc hỏi han “cháu đi đâu chú lấy giá rẻ”. Khi được nhờ tra trên ứng dụng từ BX Giáp Bát đến cổng Bệnh viện Bạch Mai hết bao nhiêu tiền, những người tài xế có vẻ lảng tránh trả lời đồng thời khẳng định, quãng đường đó phải 25.000 đồng mới chạy. Trong khi đó, thực tế khi sử dụng ứng dụng vào giờ cao điểm của grab, quãng đường từ BX Giáp Bát đến Bệnh viện Bạch Mai chỉ khoảng 15.000 - 17.000 đồng.
Hét giá “gấp đôi, gấp 3”
Ngoài việc ngã giá, tự chào những mức giá hấp dẫn mà họ tự đặt ra, nhiều câu chuyện Grab “fake”, Grab “nhái” đã khiến nhiều khách hàng bức xúc. Có thể kể đến chiều 15.3, trên mạng xã hội đã đăng tải 1 đoạn clip dài 2 phút với nội dung thể hiện sự tức giận của nữ khách hàng bị tài xế xe ôm mặc áo Grab chặt chém giá. Đoạn clip nhanh chóng nhận được sự quan tâm “chóng mặt” của cộng đồng mạng.
Theo nội dung trong đoạn clip phản ánh, nữ khách hàng này đặt Grab từ Phùng lên BX Mỹ Đình thông qua ứng dụng hết 70.000 đồng nhưng không có xe nào nhận. Thấy 1 tài xế xe ôm mặc trang phục Grab đi ngang qua, chị không hỏi giá trước, do nghĩ giá như ở trên ứng dụng nên yên tâm bảo chở đến BX Mỹ Đình, đến nơi mới tá hỏa khi tài xế đòi chị 250.000 đồng. Sau một hồi tranh luận, chị phải trả cho anh xe ôm kia 200.000 đồng. Như vậy, người dân đã bị “hét giá” gấp 3 lần.
Trao đổi với PV Lao Động, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết: Hiện nay, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về việc xuất hiện nhiều trường hợp người giả danh Uber, Grab. Họ hay tập trung ở các BX, bến tàu đón khách. Những người này thường không bật ứng dụng khi đón khách, giá cao hơn so với xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng về những Uber, Grab fake nhái này. Đây có thể coi là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, bởi những người này thường không phải trả phí cho doanh nghiệp. Nếu người có nhu cầu về đi lại sử dụng hình thức vận chuyển này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro. Trước hết là các thiệt thòi về giá cả bởi phí đi lại của những Uber, Grab fake này cao hơn xe ôm công nghệ và những xe này không bật ứng dụng, do đó lộ trình đi không rõ ràng, không được hiển thị, những người ngoại tỉnh hoặc sinh viên mới nhập học, người không rõ đường đi có thể bị “chặt chém”. Thứ nữa là có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc như lừa đảo, cướp giật, hiếp dâm,… mà sẽ khó tìm ra manh mối xử lý bởi đây là những nhân viên giả mạo xe ôm công nghệ, không nằm trong sự quản lý của các hãng Uber, Grab và Uber, Grab sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố nếu khách hàng sử dụng dịch vụ không thông qua ứng dụng công nghệ.
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 22.3, đại diện Grab Việt Nam xác nhận, có biết hiện tượng một số tài xế “mượn danh” của công ty này bằng cách mặc áo, đội mũ có biểu tượng của công ty này để vẫy khách, công ty đã và đang có một số biện pháp để ngăn chặn nhằm bảo vệ thương hiệu của mình cũng như khuyến cáo để khách hàng không bị nhầm lẫn. Theo vị đại diện này, những tài xế Grabbike “xịn” chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng gọi xe, còn các hình thức vẫy, chèo kéo khách đều là giả mạo và công ty có áp dụng một số biện pháp quản lý như thu hồi lại đồng phục với các lái xe đã ngừng làm việc cho mình, nhưng hiện tại cũng chưa thể ngăn chặn được hiện tượng buôn bán đồng phục Grabbike trên mạng. Để không bị “chặt chém”, lừa đảo, đại diện Grab Việt Nam khuyến cáo, khách hàng nên đặt xe thông qua ứng dụng và thông báo với tổng đài khi tài xế có những biểu hiện không đúng theo quy định. |
KHÁNH HÒA
Một hãng taxi ở Sài Gòn đóng cửa vì áp lực cạnh tranh từ Uber, Grab
Savico cho biết hiện tại Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh ... |
Tìm cách quản chứ không cấm Uber, Grab
Ngoài việc yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đại diện các hãng taxi truyền thống còn đề nghị cần một ... |