Bất hợp lý khiến giáo viên bị thiệt thòi về tiền lương

Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh làm dấy lên bất cập lâu nay về chính sách tiền lương của giáo viên.

Người dân chờ lĩnh lương hưu ở P.Ngã Tư Sở, Q.Đống Đa, Hà Nội

Báo cáo của nhóm nghiên cứu của Quỹ hòa bình và phát triển do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, trong đó nội dung phản ánh thực trạng chính sách tiền lương và phụ cấp giáo viên khẳng định: Trên thực tế, xét trong mối tương quan chung giữa các ngạch lương của viên chức, có thể thấy ngạch lương giáo viên là không cao.

Ví dụ, trong bảng lương kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP, nhóm 2 (A2.2) liệt kê 15 ngạch viên chức, trong đó có 2 ngạch cao cấp dành cho giáo viên trung học và người làm công tác dựng phim (nghĩa là với 2 loại chức danh này, đây là bảng lương cao nhất), lại có 12 ngạch chuyên viên chính (nghĩa là với 12 chức danh này, còn có cơ hội chuyển lên ngạch cao cấp ở một bảng lương khác cao hơn). Như vậy nghĩa là cùng được đào tạo ở bậc ĐH nhưng ngạch lương giáo viên cao cấp chỉ bằng ngạch chuyên viên chính của các nghề lưu trữ, chẩn đoán bệnh động vật, bảo vệ thực vật, giám định thuốc thú y, kiểm nghiệm giống cây trồng...

Báo cáo này còn chỉ ra ngay trong hệ thống quy định về tiền lương dành cho giáo viên phổ thông cũng chứa đựng một số điều bất hợp lý. Ví dụ, trong một ngạch lương (giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học), có tới 12 bậc, mà khoảng cách giữa các bậc lương liền kề lại quá nhỏ (chỉ bằng 0,2 lần lương cơ bản). Với quy định như thế, mỗi lần lên lương chỉ thêm được 166.000 đồng. Vậy có nhiều khả năng giáo viên đến khi về hưu chưa được hưởng đến bậc cuối cùng của ngạch lương. Hoặc số bậc trong ngạch giáo viên cao cấp (đối với giáo viên mầm non/giáo viên tiểu học là 9 bậc, đối với giáo viên THPT là 8 bậc) nhiều hơn số bậc trong ngạch chuyên viên cao cấp của các ngành khác (nhóm viên chức A3 - ngạch cao cấp chỉ có 6 bậc).

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những bất cập về cách tính lương giáo viên hiện nay. Ví dụ, dù đã đào tạo giáo viên mầm non đạt trình độ ĐH và sau ĐH nhưng do chuẩn giáo viên mầm non là trình độ trung cấp nên mặc dù sinh viên tốt nghiệp ĐH ra là giáo viên mầm non nhưng lại hưởng mức lương khởi điểm chỉ là 1,86. Tương tự, đối với giáo viên tiểu học do chuẩn là trình độ trung cấp và thực tế hiện nay đại đa số đào tạo trình độ CĐ nhưng vẫn xếp lương xuất phát điểm là 1,86 chứ không phải 2,1. Giáo viên THCS cũng được đặt theo chuẩn trình độ CĐ vẫn hưởng lương 2,1 chứ không phải là 2,34 trong khi đa số đã được đào tạo trình độ ĐH...

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định: Sẽ kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có.

Người hưởng lương hưu cao nhất hơn 100 triệu đồng mỗi tháng

Mức lương hưu cao nhất Việt Nam thuộc về một người đàn ông ở TP HCM nghỉ hưu từ năm 2015.

Người giáo viên cả đời chỉ gắn với chữ “nghèo”?

Đọc bài cô giáo mầm non nhận 1,3 triệu đồng lương hưu mà lòng tôi xót xa thay. Ai cũng nghĩ giáo viên công việc ...

Quyết không để giáo viên mầm non nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), giáo viên mầm non xứng đáng nhận lương cao hơn sau những cống hiến cho ngành giáo ...

“Lương hưu thực chất của cô Trương Thị Lan chỉ 1.270.000 đồng”

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi khẳng định, cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh nhận lương hưu 1.300.000 đồng/1 tháng là sự sáng suốt trong ...

(https://thanhnien.vn/thoi-su/bat-hop-ly-khien-giao-vien-bi-thiet-thoi-ve-tien-luong-895511.html)

/ Theo Tuệ Nguyễn/VnExpress.net