- “Người đẹp bất động sản” khai gì sau khi lừa nhiều đại gia sa bẫy?
- "Lợi bất cập hại" khi siết tín dụng bất động sản
- Siết tín dụng, bất động sản có hạ nhiệt?
Hiện bất động sản vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên theo các chuyên gia, muốn bỏ tiền vào kênh đầu tư này, nhà đầu tư phải hiểu rõ sản phẩm, tiềm năng cũng như xác định kỳ vọng so sánh đúng với vốn tài chính... Chỉ có như vậy mới có thể giảm thiểu được các rủi ro.
Giá vẫn tăng dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư
Thực tế, thời gian qua, tại thị trường Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh lựa chọn đầu tư số 1 bởi tâm lý tồn tại lâu nay đối với không ít người dân là “buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lời” và là “của để dành” cho thế hệ sau.
Và sức hút của bất động sản lại được minh chứng tại Báo cáo thị trường tháng 4/2022 vừa qua của Batdongsan.com.vn khi cho thấy, người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường trong thời gian tới, cho dù bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều bất định. Cụ thể, gần 70% người tham gia khảo sát tin rằng thị trường sẽ tốt lên, trong khi đó 60,7% khẳng định sẽ đầu tư bất động sản trong 6-12 tháng tới.
Bỏ tiền vào kênh đầu tư này, nhà đầu tư phải hiểu rõ sản phẩm, tiềm năng cũng như xác định kỳ vọng so sánh đúng với vốn tài chính |
Nhu cầu tìm mua biệt thự, nhà phố liền kề lại ghi nhận lượng quan tâm tăng trên cả nước. Lý giải “sức nóng” của loại hình này, các chuyên gia nhận định, người mua hiện nay ưu tiên những sản phẩm có nhu cầu mua bán, cho thuê cao, có lịch sử thanh khoản và sinh lời tốt. Biệt thự, nhà liền kề là một trong những loại hình bất động sản tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021 nên tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn.
Bên cạnh đó, chung cư tại các đô thị lớn vẫn đang trên đà tăng giá. Giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng lần lượt là 9% và 3,4% so với trung bình giá cả năm 2021. Xét về nguồn cung và lực cầu, trong tháng 4/2022, Hà Nội chứng kiến lượng quan tâm tăng đối với tất cả các phân khúc chung cư so với tháng 4/2021. Trong đó, chung cư cao cấp tăng cao nhất, ở mức 21%, chung cư bình dân tăng thấp nhất, ở mức 5%. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm căn hộ cao cấp và trung cấp tăng lần lượt 14% và 3%...
Tuy nhiên, liệu đây có phải là phương án đầu tư an toàn thực sự, giúp bảo toàn dòng vốn trước mọi rủi ro, phòng tránh được trước những sự bất ổn so với những kênh đầu tư khác hay không? Theo khuyến cáo của chuyên gia Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược Dragon Capital: “mỗi nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro và mục đích khác nhau, điều quan trọng đối với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp là kiểm soát làm sao cảm xúc và điều chuyển vốn dựa vào lý trí”.
Loại bỏ tư duy đầu tư theo phong trào
Bàn về vấn đề này, tại phiên thảo luận “Bất động sản - Nơi trú ẩn an toàn” do Forbes tổ chức tại TP.HCM, ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group cho rằng, nếu bỏ qua điều kiện pháp lý của một dự án thì dù cho sản phẩm có rẻ, đẹp đến đâu thì nhà đầu tư cũng rất dễ rước rủi ro về cho bản thân, thậm chí “tiền mất tật mang, kiện tụng kéo dài”. Vì vậy, khi chọn sản phẩm của bất kỳ chủ đầu tư nào, người mua cần quan tâm đến quy hoạch giấy phép xây dựng. Nếu mua đất, nhà riêng lẻ thì cân nhắc đến sổ đỏ, xác thực thông tin, thiết kế, những vấn đề xoay quanh của khu đất (tranh chấp, chuyển nhượng…) với cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương.
Ở một góc nhìn khác ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, muốn bỏ tiền vào kênh bất động sản, nhà đầu tư phải hiểu rõ sản phẩm, tiềm năng cũng như xác định kỳ vọng so sánh đúng với vốn tài chính. Cùng với đó, xây dựng mạng quan hệ với các môi giới để cập nhật thông tin đa chiều.
"Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đem tiền mua nhà đất, nhưng lại thực sự không hiểu rõ về kênh đầu tư này, mà đơn giản là có dư một ít tiền, chạy theo phong trào và nghĩ rằng nó sẽ tự động sinh lời trong tương lai. Chính lối suy nghĩ và hành động cảm tính này đã khiến không ít người mua nhà đất không kiểm soát được khoản tài chính của mình đi đâu, về đâu? Khi thanh khoản gặp vấn đề, thu nhập không đáp ứng dòng tiền dẫn đến mất kiểm soát, phải bán cắt lỗ. Cùng với đó, mức kỳ vọng đầu tư không khớp với thị trường dẫn đến ôm hàng, rất dễ bắt gặp ở những cơn sốt đất" - ông Kiệt chỉ ra một trong những sai lầm thường gặp của nhà đầu tư.
Là nhà phát triển dự án lâu năm, nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất là “Đừng mua bất động sản mồ côi, nên mua bất động sản sáng đèn”. Điều đó có nghĩa, nhà đầu tư không nên mua những sản phẩm đơn lẻ, không có tính kết nối, cần xem xét những tiện ích xung quanh dự án. Cùng với đó, nên mua bất động sản có tính thanh khoản cao, mua được, bán được, hoặc có khả năng sinh lời dài hạn.
Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều đồng quan điểm khi cho rằng, đầu tư bất động sản vẫn luôn là kênh hấp dẫn song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nếu nắm rõ quy luật và hiểu được những đặc tính cơ bản của loại hình này, nhà đầu tư vẫn có khả năng sinh lời trong dài hạn, đồng thời góp phần thúc đẩy, phát triển thị trường một cách bền vững, tạo động lực cho nền kinh tế đất nước.
Chuyên gia đưa ra 4 lời khuyên cho nhà đầu tư bỏ tiền vào kênh bất động sản trong năm 2022:
Thứ nhất, nhà phố tại khu vực trung tâm sở hữu nhiều lợi thế như giá khá thấp so với những thời điểm trước đây, nguồn cung đa dạng. Nhà phố trung tâm có thể khai thác yếu tố thương mại như cho thuê kinh doanh hay tổ chức lại cho thuê để ở, xoay vòng vốn hiệu quả cho nhà đầu tư.
Thứ hai, sản phẩm nhà đầu tư nên cân nhắc trong thời gian tới là đất nền, đất nền vùng ven. Tuy nhiên, cần phân tích những yếu tố quan trọng tác động đến giá cả, không gian phát triển của khu vực, tiện ích, cơ sở hạ tầng, công trình nào sẽ triển khai, pháp lý, giá cả của dự án.
Thứ ba, những căn hộ cũ, phân khúc đang bị thị trường “bỏ quên” phù hợp với những nhà đầu tư có vốn nhỏ. Với mức giá từ 1 tỷ rưỡi đến 2 tỷ đồng dễ dàng sở hữu một căn hộ giá cũ. Nếu mức giá của những căn hộ vừa mở bán có mức giá bán cao 40-50%, giá trung bình 50 triệu đồng/m2, thì căn hộ bình dân hiện ở tầm 25-30 triệu đồng/m2.
Thứ tư, căn hộ tầm trung, vừa túi tiền đang còn thiếu, tạo lợi thế khi đầu tư. Loại hình này được chủ đầu tư áp dụng hỗ trợ về vốn, lãi suất trong vòng 2 năm. Tuy nhiên cần nắm rõ giá trị căn hộ mang lại từ việc cho thuê và tiềm năng giá trị dự án theo thời gian. Chính vì thế, nên tìm hiểu kỹ về pháp lý, tỷ suất lợi nhuận…