Rạng sáng mai (23-7), bão số 2 đi vào vịnh Bắc Bộ gây mưa to đến rất to tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16h ngày 22-7, bão số 2 đã đi vào vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 80km về phía Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 170km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Hiện, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Khoảng 4h sáng mai (23-7), bão số 2 đi vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 13. Đến 16h cùng ngày, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực biên giới Việt - Trung với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8...
Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm nay (22-7), trên đất liền các tỉnh, thành phố Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11; các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5-6, có nơi cấp 7, giật cấp 8-9.
Đặc biệt, từ đêm nay đến ngày 24-7, các tỉnh, thành phố miền Bắc có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến tại khu vực phía Đông Bắc Bộ 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm; phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa 50-100mm, có nơi cao hơn 200mm.
Còn tại thành phố Hà Nội, từ chiều tối nay đến ngày 24-7, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì 80-150mm, có nơi cao hơn 200mm; các huyện, thị xã: Sơn Tây, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì 60-120mm, có nơi cao hơn 150mm.
Thực tế, mực nước trên một số sông và các trục tiêu lớn của thành phố Hà Nội đang ở mức cao. Cụ thể, mực nước trên sông Tích tại Trạm thủy văn Kim Quan và Vĩnh Phúc đã đạt báo động lũ cấp I từ 17h ngày 21-7, mực nước sông Nhuệ hồi 7h ngày 22-7 tại thượng lưu và hạ lưu cống Hà Đông đạt 4,15/4,13m...
Trước diễn biến trên, chiều tối 22-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó thiên tai, sự cố. Trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai và các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố; kịp thời thông tin cảnh báo đến người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó. Rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Cùng với nhiệm vụ trên, các sở, ngành, địa phương, đơn vị kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước… để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án bảo đảm an toàn, chủ động ứng phó, sơ tán khi có tình huống xấu.
Các đơn vị, sở, ngành rà soát các điểm úng ngập cục bộ khu vực nội thành, sẵn sàng triển khai phương án tiêu thoát nước và giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; chủ động rà soát, áp dụng các biện pháp khơi thông dòng chảy để bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm bơm tiêu úng; tăng cường rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất, các kỹ năng, biện pháp phòng, chống, ứng phó để bảo đảm an toàn về người và tài sản...