Bão giá nguyên vật liệu khiến nhà thầu cao tốc Bắc- Nam “méo mặt”

Giá nguyên vật liệu tăng phi mã khiến các nhà thầu đang thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam “méo mặt”.

Dầu tăng, sắt thép đội giá

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hiện là nhà thầu thi công 5 đoạn tuyến cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2017-2020. Từ năm 2021 đến nay, giá nguyên vật liệu rơi vào tình trạng tăng dựng đứng khiến nhà thầu này trong cảnh “đứng ngồi không yên”.

Theo Vinaconex, đơn giá thi công gói thầu tại dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã tăng 20 - 30%. Gói thầu tại hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đơn vị tham gia sau, chỉ số giá được áp dụng tốt hơn, đơn giá thi công cũng đội lên hơn 10%.

Theo đó, tại thời điểm Vinaconex bỏ thầu, giá thép tròn chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, giá dầu khoảng 11.000 - 12.000 đồng/lít.

Đến nay, giá thép đã lên đến hơn 18.000 đồng/kg, giá dầu đã chạm ngưỡng 21.000 - 22.000 đồng/lít.

Riêng tại gói thầu số 3-XL dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây (Liên danh Vinaconex - Trung Chính đảm nhận), với số lượng thép sử dụng cho gói thầu khoảng 8.700 tấn, chênh lệch giữa giá thép dự toán và giá thị trường khoảng gần 60 tỷ đồng.

Bão giá nguyên vật liệu khiến nhà thầu cao tốc Bắc- Nam “méo mặt” ảnh 1
Hàng loạt nhà thầu cao tốc Bắc- Nam "méo mặt" vì bão giá nguyên vật liệu

Cũng tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, ban điều hành nhà thầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4- CTP (CIENCO4) tại gói thầu 2-XL cũng đứng ngồi không yên do chi phí thi công ngày càng đắt đỏ, vượt xa dự toán ban đầu.

Ước tính, hiện việc vận hành máy móc, thiết bị tại gói thầu CIENCO4 đảm nhận cần khoảng 54.000 lít dầu/tháng. Công trình trên tuyến có nhu cầu sử dụng 4.000 - 5.000 tấn thép phục vụ thi công 10 - 12 cây cầu.

Với giá cả hiện nay, mỗi tháng, nhà thầu bị phát sinh gần 600 triệu tiền dầu, chi phí mua sắt thép phát sinh khoảng 24 - 30 tỷ đồng so với thời điểm bỏ thầu.

Tính toán cho thấy, đơn giá thi công các gói thầu CIENCO4 đang tham gia tại các dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu hiện đều tăng từ 15 – 20.

Kinh phí dự phòng không đủ bù

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long nhìn nhận, giá nguyên vật liệu tăng quá cao so với chỉ số giá ký với nhà thầu ban đầu, trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường khiến càng nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

“Các dự án cao tốc Bắc-Nam áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn một năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp,” ông Roãn cho hay.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng “phi mã”, trong thời gian qua, các Ban QLDA đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận hợp đồng trường hợp được phép điều chỉnh giá như giá cả vật tư tăng, giảm đột biến quá lớn so với phạm vi dự phòng phí của dự án.

Về phía các nhà thầu, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng kiến nghị, các cấp chức năng cần nghiên cứu với những vật liệu bình thường, ít biến động cho phép nhà thầu điều chỉnh theo chỉ số giá địa phương công bố.

Đối với vật liệu tăng đột biến (xăng dầu, sắt thép, nhựa đường…) thì phân tách cho bù giá trực tiếp để doanh nghiệp không rơi vào cảnh thua lỗ.

Trong khi đó, theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), theo hình thức hợp đồng đang áp dụng đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hiện nay, chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Việc địa phương công bố đúng, đủ giá và chỉ số giá sẽ quyết định vấn đề.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng không theo kịp giá thị trường.

Hiện, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đang tổng hợp, phối hợp tham mưu Bộ GTVT văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, tác động của biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) trong 11 dự án hiện có một dự án đã hoàn thành (Cao Bồ-Mai Sơn), 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, 4 dự án gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45; Cam Lộ-La Sơn; Dầu Giây-Phan Thiết; Phan Thiết-Vĩnh Hảo hoàn thành trong 2022.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng Các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng

Hiện, 6/10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai đã đăng ký rút ...

Ngân sách Nhà nước sẽ rót gần 147.000 tỷ đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam? Ngân sách Nhà nước sẽ rót gần 147.000 tỷ đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam?

Thay vì chia ra để huy động vốn PPP đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam, Chính phủ kiến nghị ...

/ www.anninhthudo.vn