Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017 nêu rõ khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm, con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông.
Tạo nên con số này, áp lực và môi trường làm việc chiếm một phần không nhỏ. Theo các chuyên gia, đã đến lúc nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc.
Áp lực không chỉ đến từ công việc
Khi người lao động gặp căng thẳng tại nơi làm việc không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính họ mà còn làm giảm năng suất của doanh nghiệp, thiệt hại kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp...Bà Nguyễn Thu Hà, trưởng khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã chia sẻ rất nhiều về các yếu tố gây căng thẳng cho người lao động tại hội thảo các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc.
Nhiều nguyên nhân gây căng thẳng nơi làm việc như tiếng ồn, hóa chất, yếu tố tâm sinh lý lao động. Về lâu dài, stress nghề nghiệp gây tăng thêm tình trạng các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp… Chẳng hạn, một số nghề như nhân viên y tế, kiểm soát viên không lưu làm việc ở môi trường rất tốt nhưng căng thẳng do làm việc với màn hình máy tính liên tục, chịu trách nhiệm lớn với tính mạng con người.
Sắp tới, viện sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa các bệnh cổ tay, tư thế xấu khi làm việc lâu dài, lái xe đường đài, công nhân vệ sinh đô thị... được hưởng thanh toán bảo hiểm y tế. Quan điểm là đưa nhiều bệnh nghề nghiệp nhất vào danh mục để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Đồng quan điểm trên ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội) cho biết, những biến đổi khó lường, tăng trưởng giảm sút, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp hoặc điều kiện lao động ở nhiều nơi không đảm bảo, áp lực công việc lớn... dẫn tới căng thẳng tại nơi làm việc đang là vấn đề rất đáng quan tâm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Về nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nơi làm việc, ông Nguyễn Khánh Long cho rằng, thống kê chỉ ra một số ngành nghề có số lượng người lao động bị căng thẳng cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày.
Nói thêm về vấn đề này, Theo GS.TS Lê Văn Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, căng thẳng thường xuyên có nguy cơ trở nên quen thuộc khi nhiều người mất cảm giác cân bằng. Nhiều người căng thẳng còn dẫn tới suy nghĩ ám ảnh, hoảng loạn, thở nông, cơ bắp bị chèn ép.
"Từ đó giảm hiệu suất công việc, dẫn đến nóng giận vô cớ hay những hành vi thiếu chuẩn mực, lâu dài sẽ mắc các bệnh mạn tính, điển hình là tâm thần", ông Trình nói. Do vậy, ông khuyến nghị các lãnh đạo cần phải có kỹ năng phản ứng, giảm căng thẳng khi tiếp xúc với mọi người hoặc dập tắt các nguy cơ căng thẳng trong cơ quan.
Cần loại bỏ các yếu tố gây căng thằng
Theo ông Lê Văn Trình, việc loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng trong lao động là điều cần thiết giống như xây dựng các quy tắc về an toàn vệ sinh lao động, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần của người lao động. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn là biện pháp cơ bản nhất tạo một môi trường làm việc không căng thẳng.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc, xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo dõi thường xuyên, khi thấy có biểu hiện căng thảng hay trầm cảm cần bố trí nghỉ ngơi và khi cần điều trị kịp thời.
Cùng với đó, cần phân công lao động, bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và phù hợp với khả năng của người lao động. Thông tin đầy đủ và kịp thời cho người lao động về những thay đổi của công ty trong sản xuất, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận và tổ chức nhân sự…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã nói về tầm quan trọng của vấn đề này với mong muốn doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến người lao động, nhất là phụ nữ trầm cảm sau sinh hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa để giảm stress cho nhân viên.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, công đoàn cần tích cực tham gia hơn về các điều kiện giảm căng thẳng cho người lao động như lương thưởng, môi trường làm việc. Thời gian tới, công đoàn cần tổ chức các sân chơi, hoạt động nghệ thuật, thể thao nhằm giảm căng thẳng cho công nhân.
Khác với Tháng hành động An toàn, Vệ sinh lao động hàng năm thường xoay quanh về công tác phòng ngừa tai nạn lao động, năm nay chủ đề của tháng hành động sẽ tập trung vào xây dựng quy trình, biện pháp an toàn và cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt, lần đầu tiên cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc được coi là vấn đề cấp bách, cần được quan tâm nhiều hơn.
Năm 2022, Phân Viện Khoa học An toàn, Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý nhất là có 8,5% lao động có biểu hiện trầm cảm mức độ trung bình và đặc biệt có 1,5% người có biểu hiện trầm cảm nặng. Trong số người có biểu hiện trầm cảm thì có tới 8% có ý định gây tổn hại bản thân; 49,5% người động thường xuyên cảm thấy buồn chán…