Bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường

Hơn 2 tuần nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng mạnh, do thiếu hụt nguồn cung cục bộ..., ảnh hưởng tới Chỉ số giá tiêu dùng, tạo áp lực cho Chỉ số lạm phát… Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, giảm giá thịt lợn hơi, các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tái đàn, kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở giá mức hợp lý.

Chế biến sản phẩm thịt lợn tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín). Ảnh: Vũ Sinh

Tổng đàn lợn đã lên tới 28 triệu con

Thời điểm hiện tại, giá thịt lợn trên địa bàn cả nước được thương lái thu mua là 65.000-73.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tháng 6-2022 và giá này bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian gần đây là do thiếu nguồn cung cục bộ vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên người chăn nuôi thua lỗ, phải “treo chuồng”, ảnh hưởng tới việc tái đàn. Khi thị trường phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ví dụ, những năm trước, giá lợn hơi ở Thái Lan thấp hơn Việt Nam, nhưng giờ đã cao hơn.

Ông Dương Tất Thắng cũng cho biết, nguồn cung thịt lợn hiện vẫn bảo đảm. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; gần bằng với thời điểm trước khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi (vào tháng 2-2019). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn đã phục hồi mạnh trong giai đoạn 2020-2021 sau thời gian bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh…

Cũng về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Quốc Lân, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022 cho thấy, mức tiêu thụ thịt lợn của người dân ít hơn so với 5, 6 năm trước. Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn được bảo đảm và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động nên việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ ổn định ở mức thấp.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội đã và đang phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với 13 xã chăn nuôi lợn tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì... và tập trung ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, tổng đàn lợn của Hà Nội đạt gần 1,5 triệu con, gần bằng với thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) thông tin: Với diện tích hơn 1,3ha, gia đình đã đầu tư xây dựng 2 khu chăn nuôi lợn quy mô 100 lợn nái và 600 lợn thịt/lứa. Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế được dịch bệnh phát sinh. Để bảo đảm nguồn cung sản phẩm, thời gian tới, gia đình tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô trang trại.

Kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm; đồng thời bình ổn giá thịt lợn hơi trên thị trường, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết: Bộ NN&PTNT không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Hiện tại, Bộ đang tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, duy trì tổng đàn lợn khoảng 28 triệu con, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Song, để đẩy nhanh tốc độ tái đàn cần chủ động sản xuất con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn từ trang trại tới bàn ăn, từ đó sẽ hạn chế tối đa khâu trung gian; thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Góp phần ổn định nguồn cung thịt lợn cho thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội tập trung phát triển con giống, bảo đảm mỗi năm sản xuất hơn 4 triệu con lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi tái đàn. Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm “đầu vào” sản xuất, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương làm việc cụ thể với các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến… để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu. Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát khâu trung gian trong chuỗi giá trị của ngành thịt lợn, bảo đảm giá bán đến tay người tiêu dùng không bị đẩy lên quá cao; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia ngăn chặn tình trạng buôn lậu lợn hơi qua các tỉnh biên giới, nhằm ổn định nguồn cung trong nước.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1037993/bao-dam-nguon-cung-thit-lon-cho-thi-truong

NGỌC QUỲNH / HNM.com.vn