- 8h30 sáng nay 12/10, Bộ Công Thương họp với các DN đầu mối xăng dầu
- Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi 5 nhóm kiến nghị tới Bộ trưởng Công Thương
Thị trường xăng dầu đang “tăng nhiệt”. Việc một số cây xăng ở các tỉnh phía Nam đóng cửa với lý do hết hàng đã và đang khiến người tiêu dùng lo lắng. Tâm lý này đã ảnh hưởng đến một số nơi ở khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội. Trong khi ngành Công Thương khẳng định nguồn cung đủ thì các doanh nghiệp đầu mối, nhất là đơn vị bán lẻ lại không mặn mà kinh doanh. Nguyên nhân là những bất cập trong cơ chế, chính sách khiến doanh nghiệp càng kinh doanh càng thua lỗ, hoạt động khó khăn.
Hà Nội vẫn bảo đảm nguồn cung
Thông tin một vài cây xăng đóng cửa trên địa bàn Hà Nội trong tối 11-10 khiến người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 12-10, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau lần điều chỉnh giá xăng dầu chiều 11-10, nhu cầu mua xăng dầu của người dân tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã dần trở lại ổn định, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu Trưởng phòng, Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Căn cứ thực tế diễn biến thị trường và phản ánh của người dân, báo chí, đường dây nóng, các Đội Quản lý thị trường nhìn chung đã bám sát chỉ đạo của các cấp, tiếp tục bố trí cán bộ giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, xử lý, làm rõ thông tin phản ánh.
Báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường Hà Nội ngày 11-10 cũng khẳng định điều này. Theo đó, trong tổng số 492 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, chỉ có 3 cửa hàng ngừng bán hàng do hết xăng là cửa hàng số 4 phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng; cửa hàng số 436 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng và cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 71 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng. 3 cửa hàng này đều của Công ty cổ phần Xăng dầu HFC và đơn vị này đã liên hệ với thương nhân cung cấp và cấp trở lại xăng dầu từ 22h ngày 11-10. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 1 cửa hàng dừng hoạt động do giấy chứng nhận đủ điều kiện hết hạn và đang chờ cấp lại; 3 cửa hàng khác ngừng bán hàng và đã được Sở Công Thương chấp thuận.
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn Hà Nội sáng 12-10 cũng ghi nhận tình hình tương tự. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai... diễn ra bình thường, không còn cảnh xếp hàng dài đợi mua xăng.
Vẫn tồn tại bất cập
Trong thông báo phát đi ngày 10-10, Bộ Công Thương cho biết, dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu vẫn được các doanh nghiệp liên tục bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu hụt cục bộ vẫn xảy ra và chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân của tình trạng này, theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, là do mức chiết khấu.
Nhiều đơn vị đang đối mặt với khó khăn trong kinh doanh do mức chiết khấu thấp, có thời điểm chiết khấu 0 đồng/lít, dẫn đến thu không đủ bù chi. Mới đây nhất (ngày 11-10), sau kỳ điều chỉnh, mức chiết khấu này với đơn vị nhượng quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trên địa bàn Hà Nội là 290 đồng/lít với xăng và dầu là 100 đồng/lít khiến doanh nghiệp “ngao ngán”. Thực tế, mức chiết khấu phải đạt từ 1.300 - 1.500 đồng/lít mới đủ bù đắp các khoản chi phí, giúp đơn vị duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, do nguồn cung không ổn định, thường xuyên bị gián đoạn khiến doanh nghiệp đối diện tình trạng “khó chồng khó”. Nếu tiếp tục kinh doanh sẽ càng thua lỗ, nhưng dừng hoạt động, lực lượng chức năng đến kiểm tra thấy còn hàng, sẽ bị xử phạt, thu hồi giấy phép.
Các doanh nghiệp kiến nghị, liên bộ Công Thương - Tài chính cần nghiên cứu, đưa ra giá bán lẻ hợp lý, bảo đảm chi phí lưu thông, tránh hạ giá lấy thành tích nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp. Về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, quy định hiện nay sẽ điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 trong tháng, không nên điều chỉnh lùi thời gian điều hành khi có các kỳ nghỉ. Thực tế cho thấy, có kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày, trong khi thị trường xăng dầu biến động liên tục. Khi giá thế giới thay đổi, chỉ một ngày sau, mức chiết khấu đã thay đổi, do đó, cần có sự điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương cho biết, đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí tổng hợp đối với doanh nghiệp đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn. Bộ cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn, duy trì cung ứng trong hệ thống, gắn với việc đôn đốc kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, bên cạnh việc giải quyết vấn đề về chiết khấu thì cần bàn nhiều về vấn đề điều hành, phải có phản ứng kịp thời, nhưng đồng thời cũng phải đối thoại với các doanh nghiệp, tính toán đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp và tạo động lực cần thiết cho doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính), công tác quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có một số tồn tại khi chưa theo kịp sự thay đổi nhanh của thị trường. Cụ thể là về vấn đề cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ chưa rõ ràng. Cùng với đó là việc chưa tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương. Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để bảo đảm nhu cầu. Thêm nữa, khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng việc giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng…