Bảo đảm an toàn tuyệt đối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Trước tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Hà Nội như hiện nay, việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng là giải pháp an toàn, hợp lý. Khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp môi trường Thủ đô bớt ô nhiễm, người dân đi lại thuận tiện hơn và có rất nhiều lợi ích khác.

Một trong những điểm mới và nổi bật nhất của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là phương thức thanh toán được sử dụng linh hoạt, giá vé cũng được điều chỉnh để phù hợp với lợi ích của đại đa số người dân. Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội, giá vé của tuyến đường sắt xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng và được thành phố phê duyệt. Giá vé chặng 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.

“Trên thế giới, khai thác đường sắt đô thị chỉ có Nhật Bản và Hongkong là thu đủ bù chi, giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bao gồm khoản trợ giá, phí mua bảo hiểm hành khách đã nằm trong giá vé”, Tổng giám đốc Metro Hà Nội khẳng định.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông -0

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi đi vào hoạt động.

Tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy bằng điện, do đó nguồn cung cấp điện được xem là cốt lõi và cực kỳ quan trọng. Đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tàu sử dụng cho tuyến metro có 2 đường cấp điện độc lập và dự phòng lẫn nhau. Trường hợp một trong hai đường điện bị ngắt, đường điện còn lại sẽ tự động cung cấp liên tục cho đoàn tàu. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, tàu đang chạy nhưng cùng lúc cả hai đường điện đều bị ngắt, tàu sẽ tự động dừng lại và tự động kích hoạt hệ thống hãm khẩn cấp, sử dụng hãm khí nén. Điều này sẽ duy trì các hoạt động như điều khiển, tín hiệu bảo vệ, thông gió, đóng mở cửa… của hệ thống trong thời gian từ 30 - 45 phút, để chờ công tác cứu hộ, cứu nạn được diễn ra.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, số lượng các tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt 2A là hơn 50 chuyến. Tất cả các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích hiện đại như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh... Đồng thời, xung quanh các nhà ga được bố trí điểm đỗ xe cho hành khách gửi xe cá nhân, điểm đỗ xe buýt, hành khách lưu thông bằng cầu đi bộ hoặc cầu thang lên nhà ga trên cao.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân khi đi vào hoạt động. Không chỉ giúp cho môi trường trở nên trong sạch hơn, hạn chế khói bụi và giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là rút ngắn thời gian và tiết kiệm được chi phí đi lại.

TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển bùng nổ, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng cơ sở vốn đã quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hệ lụy là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển bền vững của hai thành phố.

Theo báo cáo của TP Hồ Chí Minh, ước thiệt hại từ ùn tắc giao thông hàng năm của thành phố là khoảng 6 tỷ USD (tương đương 13% GDP của thành phố). Hiện nay, việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được coi như giải pháp cứu cánh, mang tính then chốt của cả hai thành phố này. Hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố đều xác định có khoảng 8 tuyến, với TP Hồ Chí Minh, tổng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư 25 tỷ USD. Hà Nội là 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD.

Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35% - 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông cũng như ô nhiễm môi trường.

Nhìn nhận về vấn đề đầu tư, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Để đánh giá về hiệu quả dự án ngay bây giờ thì hơi vội vì chưa có con số chính xác. Tuy nhiên, về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nói riêng và các tuyến đường sắt đô thị khác nói riêng là cần thiết. Rõ ràng, giao thông công cộng không nước nào có thể bỏ qua, nếu như muốn phát triển. Tại Việt Nam, thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh càng cần phải có đường sắt đô thị, vì đây là phương tiện hiện đại có sức chuyên chở lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển.

“Những ngày qua, người dân hào hứng tham gia, một phần là do tò mò. Sau này thế nào thì cần phải có thời gian. Tuy nhiên, để một dự án công cộng phát triển hết công suất như tàu đường sắt đô thị, thì cần phải có tính kết nối. Chỉ khi việc kết nối giữa phương tiện này với phương tiện khác, giữa tuyến này với tuyến kia thuận lợi, thì người dân sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang đi phương tiện công cộng”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ quan điểm.

Là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực vận tải công cộng, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng cũng chia sẻ: “Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động là một tín hiệu rất tốt, chúng tôi là những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải công cộng cảm thấy vui mừng”. Trên thực tế, trong vận tải hành khách công cộng thì đường sắt đô thị vận chuyển được số lượng lớn, không ùn tắc là giải pháp hữu hiệu, còn xe buýt là một phần, góp phần cho cho việc đi lại của người dân thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Với người dân, họ đi thực tế họ sẽ tự cảm nhận, nếu thuận lợi hơn, kinh tế hơn, thì họ sẽ tự giác rời bỏ phương tiện cá nhân. Theo ông Thông, từ trước tới nay, ông vẫn đưa ra quan điểm, không có giải pháp chống ùn tắc nào nào tốt bằng việc cung cấp cho người dân phương tiện công cộng đi nhanh hơn, tiếp cận với nó an toàn hơn. Và đến nay, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội đã đáp ứng được một phần.

Trong tương lai, nếu cả 8 tuyến được thực hiện đúng tiến độ, thì hiệu quả sẽ rất tốt. Đầu tư các tuyến đường sắt đô thị là một xu hướng tất yếu của vận tải hành khách công cộng ở các nước phát triển. Trong đô thị lớn và không có vận tải công cộng chở số lượng lớn thì khó giải quyết bài toán ách tắc giao thông.

Đặng Nhật

Chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Chen chân trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông: Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
Những hành khách được miễn phí vé tàu Cát Linh - Hà Đông Những hành khách được miễn phí vé tàu Cát Linh - Hà Đông

/ cand.com.vn