Trong 933 em đủ điều kiện dự xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 trường Ams, đa số đều đạt điểm 10 trong tất cả các môn suốt 5 năm.
Những bức ảnh chụp danh sách thí sinh được lọt vào vòng xét tuyển của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam đang gây xôn xao khi đa số các học sinh đều có kết quả học tập tất cả các môn đều đạt điểm 10 từ lớp 1 đến lớp 5.
Năm nay, trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam chỉ tuyển 200 chỉ tiêu trong khi nhu cầu của phụ huynh, học sinh quá lớn nên Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra quy định “siết” từ vòng hồ sơ, trong đó điểm kiểm tra cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt cả 5 năm tiểu học và điểm kiểm tra cuối năm lớp 4, lớp 5 các môn Khoa học, Địa lý, Lịch sử phải đạt mỗi môn 10 điểm, chỉ có duy nhất 1 môn 9 điểm. Nếu học sinh có 2 điểm 9 trong suốt 5 năm học cũng bị loại khỏi vòng sơ tuyển.
Khi lọt qua vòng sơ tuyển với học bạ “đẹp như mơ”, thí sinh sẽ phải tham dự 3 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh vào ngày 11/6 tới. Mỗi bài thi diễn ra trong thời gian 45 phút, tính theo thang điểm 10. Nhà trường sẽ tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
Bảng danh sách thí sinh dự tuyển Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Tiền phong |
Nhiều phụ huynh chia sẻ: “Phụ huynh nên sớm chuẩn bị dần học bạ đẹp cho con”; “thiên tài nhiều như lá mùa thu”, “mưa điểm 10”… Có phụ huynh cho rằng, nếu lấy tiêu chí học bạ để xét tuyển sẽ nảy sinh việc “chạy làm đẹp học bạ” trong những năm tới.
Những nghi ngại mà phụ huynh đặt ra khi nhìn bảng điểm của các thí sinh được lọt vào vòng xét tuyển của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam đã được những người làm trong ngành giáo dục đặt ra trường này công bố điều kiện tuyển sinh vào lớp 6.
Các ý kiến đều cho rằng, việc đưa ra điều kiện xét tuyển thế nào là quyền của nhà trường nhưng các học sinh rất khó đạt được điều kiện này.
Thậm chí, theo GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, trong trường hợp có những học sinh đáp ứng được điều kiện dự tuyển nói trên thì ông cũng tin rằng nhiều em trong đó chưa chắc đã thông minh. Nhiều khi học sinh đạt được điểm số cao là nhờ chuyên cần, học thuộc lòng.
Cho rằng ra điều kiện tuyển sinh như vậy chỉ làm khó cho học sinh, phụ huynh và các nhà chức trách phụ trách vấn đề đó, GS.TSKH Phạm Phố cũng tin rằng nó sẽ phần nào tạo nên tâm lý "chạy điểm" cho con em ngay từ cấp dưới để có được học bạ hoàn hảo. Bản thân các học sinh cũng bị hướng vào chuyện chạy theo điểm, chứ không phải vấn đề trí tuệ, phát triển toàn diện.
"Đó là một nguy cơ đào tạo không toàn diện, khiến cho các em phát triển trong tương lai rất khó, bởi khi chạy theo điểm số thì trí thông minh sẽ kém đi, các em chỉ cần học thuộc bài, trả bài đầy đủ để đạt điểm cao", GS Phố lo ngại.
Cùng chia sẻ quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nghi ngại việc đặt ra các điều kiện tuyển sinh ngặt nghèo về điểm số dễ khiến xảy ra hiện tượng gian lận khi phụ huynh học sinh có thể tiến hành "chạy điểm" cho con em ngay từ bậc tiểu học.
"Người muốn xin học cho con em có đủ mánh khóe để làm chuyện này", ông lưu ý.
Các vị chuyên gia bày tỏ, đòi hỏi học sinh vào trường chuyên điểm trung bình phải từ 9 trở lên đã là rất tốt, việc học tập ở phổ thông chưa thể nói lên điều gì, quan trọng nhất là giai đoạn học đại học.
Thực tế cho thấy, nhiều người học phổ thông không phải lúc nào cũng đạt điểm 9, 10 nhưng khi lên đại học họ lại phát triển rất tốt. Đó là nhờ trí thông minh, sự sáng tạo, nhìn xa của họ, không chú trọng học tủ, học thuộc lòng.
Minh Thái
Bảng điểm 'khủng' toàn 10 của học sinh Sài Gòn
Bảng điểm của một học sinh cấp 2 ở Sài Gòn được đăng tải trên mạng xã hội đang gây chú ý, với hầu hết ... |