Bằng đại học không xếp khá-giỏi, chính quy-tại chức: Lo cào bằng chất lượng

Nếu trên văn bằng giáo dục đại học không còn ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình), nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các nhà trường lo ngại về sự cào bằng, làm giảm động lực phấn đấu của người học.

Lo mất động lực phấn đấu

Xung quanh dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định cấp bằng đại học được nêu trong dự thảo đang theo xu hướng quốc tế.

Tuy nhiên, nội dung này vẫn khiến nhiều người trăn trở về động lực phấn đấu của người học. Đặc biệt là với thực tế đào tạo hiện nay, nhiều người quan ngại về chất lượng đào tạo đại học sẽ đi về đâu.

Học viên Nguyễn Thu Huyền (đang theo học cao học tại Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Cơ chế tuyển dụng hiện nay thì bằng cấp không phải yếu tố quyết định nhiều nhưng nếu để học tốt và chưa tốt cũng chỉ một tấm bằng có giá trị như nhau thì tôi thấy chưa phù hợp với Việt Nam hiện nay. Tôi tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng hiện nay học thạc sĩ không xếp loại nên cũng “chây ì” hơn. Học viên lớp cao học của tôi cũng hay nói với nhau rằng có xếp loại đâu mà cần điểm cao, chẳng ai quan tâm bảng điểm cả, cứ qua môn là được. Vì thế, tôi lo sợ suy nghĩ cào bằng, vàng thau lẫn lộn”.

Với góc độ đào tạo, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng, dự thảo văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học. Song hiện nay cách thức tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo giữa các trường khác nhau nên cần phải có giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đào tạo các hình thức đào tạo. Nếu trên văn bằng giáo dục đại học không ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi, khá,...) dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học.

bang dai hoc khong xep kha gioi chinh quy tai chuc lo cao bang chat luong
Nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học sẽ không còn xếp loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo. Ảnh: HN

Đối với quy định không ghi các hình thức đào tạo trên văn bằng, ông Chứ cũng đánh giá, các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không quan trọng hệ đào tạo. Những doanh nghiệp này chỉ quan tâm đến nhân sự họ tuyển dụng có làm được việc, có đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hay không.

Còn đối với cơ quan nhà nước, khi các hệ đào tạo ở đại học có giá trị như nhau sẽ có nhiều người đủ tiêu chuẩn tuyển dụng và bổ nhiệm các chức vụ công việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. “Dù vậy, văn bằng có giá trị như nhau nhưng khoảng cách về trình độ đào tạo các loại hình đào tạo vẫn còn khoảng cách khá xa”, ông Chứ cho biết.

Dẫu cho rằng quy định không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học nhưng theo ông Chứ, thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp. Do đó, khó có thể đánh giá chất lượng đào tạo chính quy và tại chức tương đương nhau.

Chất lượng giáo dục chưa tương xứng

Chất lượng đào tạo, vấn đề khảo thí và cách đánh giá giữa các cơ sở giáo dục đại học phải đồng đều khi bỏ xếp loại, hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp là ý kiến của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp. Theo ông Tớp, các nước trên thế giới áp dụng hình thức này, còn ở Việt Nam, bằng tại chức có tổ chức đào tạo khác nên quan niệm bằng này không được như bằng chính quy.

Để 2 bằng như nhau, các cơ sở giáo dục đại học, chất lượng đào tạo, vấn đề khảo thí hay cách đánh giá điểm đều phải như nhau. Tránh tình trạng tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo khác nhau nhưng bằng lại giống nhau.

Còn PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng băn khoăn khi chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay hình thức phi chính quy và chính quy chưa thể tương đương với nhau được. “Việc đào tạo phi chính quy còn tồn tại nhiều hạn chế nên việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học tôi nghĩ chưa phù hợp”, ông Lập nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại không còn các thông tin xếp loại học lực của người học như Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hoặc trung bình theo quy chế đào tạo; không còn ghi các hình thức đào tạo như “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”.
bang dai hoc khong xep kha gioi chinh quy tai chuc lo cao bang chat luong Văn bằng đại học các nước được ghi như thế nào?
bang dai hoc khong xep kha gioi chinh quy tai chuc lo cao bang chat luong Không ghi xếp loại trên bằng đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế
bang dai hoc khong xep kha gioi chinh quy tai chuc lo cao bang chat luong Có nên bỏ ghi xếp loại trên bằng đại học?
/ laodong.vn