Bằng con mắt hiện tại

Có rất nhiều lễ hội liên quan đến việc sát hại động vật ở nước mình, là do tín ngưỡng, là do tôn kính tiền nhân, những bậc hiền tài hiến nhục thể của mình cho Tổ quốc, những bậc lương đống kiến thiết quốc gia.

Lại có những lễ hội cầu mùa màng, cầu mưa thuận gió hòa, cầu điều tốt đẹp. Thật khó để có thể cân bằng giữa văn hóa tín ngưỡng và xu hướng phát triển khách quan hiện tại.

1. Mạng Internet trở thành một phần không thể tách rời khỏi đời sống của đại bộ phận người dân, dư luận có nhiều cơ hội để thưởng ngoạn những lễ hội khắp các miền. Lễ hội chém lợn, lễ hội đâm trâu, lễ hội hiến tế trâu sống bằng cách treo cổ... những đoạn clip quay cận cảnh, những hình ảnh đặc tả lan truyền khắp chốn trên mạng. Đặc biệt, là mạng xã hội.

Đám đông dễ dàng hoang mang, dễ dàng biểu thị những cảm xúc phẫn nộ, dễ dàng hoảng loạn trước cảnh con lợn bị chặt đầu, máu văng tung tóe, những con trâu bị chặt kheo chân trước khi bị đâm chết, những con vật hiền lành và quen thuộc trong đời sống người Việt bị hành hạ đủ đường cho đến khi ngưng thở. Những con trâu chọi bị giật điện, cảnh giết mổ, cảnh xẻ thịt, cảnh buôn bán hiển hiện ra trước mắt người dân thông qua các clip được chuyển tải, những hình ảnh phản cảm nếu không muốn nói là có phần bản năng hoang sơ.

Thật dễ hiểu cảm giác của đám đông khi chứng kiến những hình ảnh mà tôi vừa nêu ra, những hình ảnh mà trước đây nếu chỉ thông qua sách vở hoặc hình ảnh các bước chuẩn bị cho một lễ hội sẽ không có gì là ghê rợn.

bang con mat hien tai
Minh họa: Lê Phương.

Tôi vẫn nghĩ, bất cứ một cộng đồng nào cũng cần được tôn trọng về những tín ngưỡng, tập tục hay lễ hội. Mấy lâu trước, tôi lang thang nhiều ngày ở vùng Tây Nguyên là chứng kiến nhiều nỗ lực bất thành khi các cấp lãnh đạo cố gắng đưa người đồng bào về nhà mặt phố cạnh quốc lộ để ở. Những căn nhà mù tung bụi đỏ, những đôi mắt người già, những nụ cười trẻ thơ... tất cả đều mang đậm cái không khí buồn buồn vì bị tách khỏi vùng đất đồi nương lưu ngụ thuở nào.

Dĩ nhiên, họ vẫn trồng bắp trồng mì, chỉ là họ không còn quây quần quanh mảng đồi cái rẫy nữa. Họ vào nương và họ trở về nhà phố, những căn nhà xi măng. Như cái cách mà người Rục không ở lại khu tái định cư, họ vẫn ở lại cái làng đầu tiên.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cũng nên nghĩ về. Đó là có những việc ngày trước cứ thực hiện không cần phải nghĩ, nhưng về sau vừa thực hiện vừa nghĩ và cuối cùng là không thực hiện nữa.

Sự phát triển về tư duy nhận thức đều là khách quan, thêm vào đó người dân ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với những dòng văn hóa (hay văn minh) từ các nước một cách dễ dàng hơn. Những cậu bé hay cô bé cũng vậy, hiện tại đã có một nhóm những cậu bé cô bé chưa đến trường đã sử dụng thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, điều rất hiếm trước đây. Thế cho nên, chấp nhận duy trì và bảo tồn văn hóa cũng cần thiết xét đến yếu tố tương thích với gian đoạn hiện tại.

2. Sẽ có rất nhiều ý kiến bảo vệ những lễ hội hạ sát động vật theo lý lẽ, tại sao nước này chém chết cá voi máu loang đỏ một vùng biển, tại sao nước kia cũng đâm bò tót đến chết... họ cũng văn minh, họ cũng đầy ắp văn hóa, họ cũng bị phản ứng dữ dội nhưng sao họ vẫn cương quyết giữ còn mình nước mình mỗi năm đâm trâu, chém lợn có vài hôm thì ăn thua gì.

Khi đưa ra những so sánh này, bắt buộc phải đặt hai đối tượng so sánh với những yếu tố tương đồng về kinh tế xã hội nhận thực, đại khái là bên tám lạng bên nửa cân. Chứ ai đâu lại so sánh làn khói với mây trắng trên trời thì làm sao mà so sánh được, mặc cho cả hai thứ đều lãng đãng phù vân.

Sớm nay, tôi có ngồi trao đổi ngắn với tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, chị nói chị đã rất nhiều lần đưa ra ý kiến nếu cần thiết bảo tồn thì có thề quay clip, chụp lại hình ảnh làm tư liệu để trưng bày trong các viện bảo tàng, không gian văn hóa cụ thể. Tôi thấy ý kiến này rất hay.

Cá nhân tôi nghĩ rằng nên khu biệt lại lễ hội này nếu như sự xóa bỏ là vội vàng trong giai đoạn hiện tại. Khu biệt theo cách truyền thông không đưa tin, người tham gia lễ hội không được sử dụng các thiết bị quay phim ghi hình, giới hạn độ tuổi tham dự.

Nếu làm được điều này, tôi rất hy vọng vào việc tôn trọng quan điểm, tín ngưỡng, văn hóa riêng của một nhóm cộng đồng. Đồng thời, không để những quan điểm, tín ngưỡng, văn hóa này khiến đám đông còn lại khó chịu hay sợ hãi. Mà để thực hiện thì lại không quá khó khăn, rất thuận tiện.

3. Sẽ thật chẳng có gì thay đổi nếu như sau cơn giật mình tại lễ hội chọi trâu mọi thứ đâu lại vào đó, cũng như sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như sau mỗi mùa lễ hội lại hình thành hai nhóm cãi nhau loạn xạ trên các trang mạng xã hội.

Vấn đề chính là nhận thức của các lãnh đạo địa phương đừng để sa đà vào câu chuyện con gà tức nhau tiếng gáy, bên kia có lễ hội bên này cũng phải nhất định có lễ hội. Thêm nữa là trách nhiệm quản lý, cấp phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngay như cái lễ hội chọi trâu, chắc không cần phải nói quá nhiều người ta vẫn đủ hiểu điều gì đằng sau những con châu chọi nhân danh văn hóa lễ hội cần phải giữ gìn ấy.

/ Ngô Nguyệt Hữu/cand.com.vn