Bắn thuốc mê, di dời đàn voọc cắn người

Huyện Hướng Hoá phối hợp Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ bắn thuốc mê di dời đàn voọc 3 con thường xuyên cắn người đi đường.

Chiều 14/12, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, cho hay việc di dời phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân và bảo vệ các cá thể voọc Hà Tĩnh.

1242 2

Một con voọc ngồi trên cành cây cao khoảng 4 m, tháng 9. Ảnh: Hoàng Táo

Ngày 7/12, các chuyên gia của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã khảo sát khu vực đàn voọc hay ra cắn người. Các chuyên gia sẽ dùng các biện pháp bắn gây mê, di chuyển đàn voọc về Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) để theo dõi, trước khi thả về môi trường tự nhiên.

"Chúng tôi sẽ bắn gây mê con đầu đàn, vì vọc có tập tính dẫn đầu nên sau đó dùng con này để nhử mồi, sập bẫy các con còn lại", ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đưa ra các phương án cứu hộ theo đúng yêu cầu khoa học, đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho voọc cũng như con người.

Từ tháng 7, đàn voọc 3 con ở xã Hướng Lập thường ra đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã rượt đuổi, tấn công tổng cộng 12 người bị thương ở chân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã phát quang bụi rậm, xua đuổi, căng 1.200 m lưới sát vệ đường nhưng không ngăn được đàn voọc tấn công người.

Ngoài ra, khu vực sinh sống của đàn voọc này là khu núi đá vôi rộng khoảng 10 ha, bị bao bọc bởi đường giao thông, bản làng và nương rẫy nên không thể thực hiện phương án bảo tồn tại chỗ. "Voọc Hà Tĩnh là loài hiền lành, sợ con người, ăn lá cây. Việc đàn voọc này thường xuyên cắn người là tập tính mới xuất hiện chưa xác định nguyên nhân", lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị nhận định.

1318 3

Một phụ nữ bị voọc tấn công ở chân được nhân viên Trạm y tế Hướng Lập sơ cứu, lúc 16h20 ngày 8/12. Ảnh: Quang Hà

Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Hoàng Táo

Quảng Trị di chuyển đàn voọc gáy trắng cắn 9 người bị thương Quảng Trị di chuyển đàn voọc gáy trắng cắn 9 người bị thương
/ vnexpress.net