Băn khoăn hàng chục nghìn cán bộ y tế bỏ việc, bệnh viện xin thôi tự chủ

Các ĐBQH đã có những thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phiên họp sáng 24/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Cơ chế quản lý đang trói buộc sự phát triển của các bệnh viện

Sáng 24/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục diễn ra với phần thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Băn khoăn hàng chục nghìn cán bộ y tế bỏ việc, bệnh viện xin thôi tự chủ 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn. Trong khi đó, nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo đại biểu Cường, đây là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập.

"Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là thiết bị hiện đại hơn. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình", đại biểu Cường nhấn mạnh và hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.

Đại biểu Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi một số nội dung, bao gồm quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Băn khoăn hàng chục nghìn cán bộ y tế bỏ việc, bệnh viện xin thôi tự chủ 2

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng cho hay, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

Do đó, đại biểu Thu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật là điểm mới và cần thiết

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế và có nền y học khoa học, dân tộc và hiện đại.

Băn khoăn hàng chục nghìn cán bộ y tế bỏ việc, bệnh viện xin thôi tự chủ 3

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

"Ví dụ như quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật đã quy định phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân; chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?", đại biểu Hạ nêu vấn đề.

Đại biểu Hạ cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; vậy cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào. Tương tự, đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định "được ưu tiên theo quy định của pháp luật" nhưng không quy định cụ thể được ưu tiên vấn đề nào.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng cho biết, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh, sẽ dẫn đến việc tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm có kết quả dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.

Trong khi theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề sẽ tổ chức theo hướng của Hội đồng đại diện cho Hiệp hội hành nghề Y khoa Quốc gia và được Bộ Y tế cấp phép giám sát, tổ chức thực hiện. Đại biểu Thu nhấn mạnh: "Công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện cho người hành nghề khi đăng ký tham gia".

https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-hang-chuc-nghin-can-bo-y-te-bo-viec-benh-vien-xin-thoi-tu-chu-d570409.html