- Dự án Cao tốc Bắc-Nam: Nơi đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành, nơi “lụt” tiến độ
- Nhiều dự án cao tốc Bắc-Nam tiếp tục chậm tiến độ
- Dự án cao tốc Bắc-Nam tại Quảng Bình khó bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu thông xe Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình (Dự án cao tốc Bắc-Nam) vào dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn 2 năm qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết một khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ để bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam. Nhiều bài học được rút ra khi giải phóng mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia Dự án cao tốc Bắc-Nam. Đến nay, Quảng Bình chỉ còn lại 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, và theo dự kiến chính quyền địa phương sẽ quyết định cưỡng chế.
Ngày 15/10, tin từ UBND huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình cho biết, chính quyền địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh quyết định cưỡng chế 2 trường hợp còn lại trên địa bàn, khi chưa chịu nhận đền bù, chưa chịu di dời để bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng lớn đến Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Theo đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Lệ Thủy sẽ thực hiện cưỡng chế 2 trường hợp cuối cùng ở xã Trường Thủy (hộ ông Thành) và Nông trường Lệ Ninh (hộ ông Hùng) dự kiến vào ngày 16/10. UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, đến nay, huyện Lệ Thủy đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công công trình, đạt gần 99% kế hoạch. Còn lại 2 hộ dân là hộ ông Thành và hộ ông Hùng chưa bàn giao mặt bằng do liên quan đến hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp.
Trước đó, ngày 17 và 18/9, UBND huyện Lệ Thủy đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân tại xã Phú Thủy, gồm: Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Hồ Đăng Ánh, trú tại thôn Ngô Bắc đang sử dụng thửa đất số 39 (10), tờ bản đồ số 41, diện tích 485,7m2 và thửa đất số 39 (8), tờ bản đồ số 41, diện tích 2.573,2m2; ông Hồ Đăng Quang trú tại thôn Phú Hòa đang sử dụng thửa đất số 39 (4), tờ bản đồ số 41, diện tích 643,1m2 và thửa đất số 39 (7), tờ bản đồ số 41, diện tích 2.232,8m2. Các thửa đất trên đều có địa chỉ tại thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thuỷ.
Riêng đối với ông Châu Đình Chính và bà Lê Thị Ty, trú tại thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thuỷ đang sử dụng các thửa đất số 303 (3), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 500m2, thửa đất số 303 (4), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 1.023,4m2, thửa đất số 303 (5), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 420,7m2 và thửa đất số 385 (53), tờ bản đồ số 21 xã Phú Thủy, diện tích 292,3m2, UBND huyện Lệ Thuỷ có quyết định dự kiến cưỡng chế vào ngày 18/9, nhưng tối 17/9, được chính quyền địa phương vận động, giải thích, thuyết phục, các hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng.
Dự án cao tốc Bắc-Nam qua Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài khoảng 42,95km, đoạn Bùng-Vạn Ninh dài 49,93km, đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ hơn 33,5km. Trên địa bàn Quảng Bình có 8 nút giao, tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9ha. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng 659,74ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.
Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông đang được cập nhật. Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học... bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân địa phương, đến nay các địa phương ở Quảng Bình có Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua đã bàn giao 100% mặt bằng. Đặc biệt, có một số địa phương như huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch… tỉnh Quảng Bình để bàn giao mặt bằng, chính quyền và người dân nơi đây đã phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn. Sau 2 năm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ yếu là vận động, giải thích, hỗ trợ… đến nay mặt bằng toàn tuyến Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình đã được giải quyết.
Có thể nói, để trong thời gian 2 năm, di dời được hàng ngàn hộ dân, hàng ngàn ngôi mộ, các công trình… tỉnh Quảng Bình đã rất quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, khơi dậy được tinh thần yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh một phần quyền lợi của cá nhân, gia đình vì công trình lớn của đất nước trong nhân dân. Chẳng hạn như ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, gần 1000 hộ dân trên địa bàn đã đồng thuận, di dời để có mặt bằng thực hiện dự án. Thậm chí có trường hợp những hộ dân hiến hàng trăm m2 đất cho nhà nước để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam như: vợ chồng ông Trần Thanh Hải và Lê Thị Gái ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã hiến 244m2; gia đình ông Nguyễn Quốc Thành, trú thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thuỷ đã tự nguyện hiến 576m2 đất không đòi hỏi đền bù… Đây là những hộ dân điển hình, có những việc làm cao đẹp gắn với công trình trọng điểm quốc gia.
Tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình, từ cuối tháng 7/2024 đến nay, nhiều hộ dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã tập trung tháo dỡ nhà cửa, thuê “thần đèn” từ nơi khác đến dịch chuyển nhà để chính quyền địa phương thu hồi đất thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam. Ngắm căn nhà mới xây ở được chưa lâu, những kỷ vật của ngôi nhà gắn với nhiều kỷ niệm của gia đình, giờ nếu phải đập bỏ thì anh Hoàng Minh Lợi ở tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch buồn lắm. Nhiều đêm nằm suy nghĩ và anh Lợi thấy vui khi nghĩ đến việc dịch chuyển nhà. Anh Lợi lặn lội vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu và anh thuê “thần đèn” ra quê để dời ngôi nhà rộng hơn 180m2 với chi phí hơn 300 triệu đồng để nhà nước thực hiện dự án cao tốc.
Cũng như gia đình anh Hoàng Minh Lợi, nhiều gia đình ở huyện Bố Trạch đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, hoặc di chuyển về nơi ở mới. Gia đình anh Trần Bá Đàn trú tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, xây dựng ngôi nhà mới khang trang vào năm 2021 hết 1,8 tỷ đồng, nhận được thông báo, căn nhà nằm trong diện giải toả để làm Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhiều hôm nghĩ đến việc phải phá dỡ căn nhà, anh Đàn lại rất buồn, không đành. Qua bạn bè, và lên mạng tìm hiểu, anh Đàn quyết định đi tìm mời “thần đèn” Huỳnh Văn Tài về quê anh để dịch chuyển nhà. Căn nhà anh Đàn được dịch chuyển hơn 50m từ nơi ở cũ để giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc…
Để giải phóng được mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư Dự án cao tốc Bắc-Nam, tỉnh Quảng Bình đã quán triệt đến các sở, ban, ngành, địa phương phải quyết liệt, quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng đúng tiến độ, mốc thời gian. Theo đó, trong quá trình giải quyết việc giải phóng mặt bằng, những tồn đọng, vướng mắc, tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân về tái định cư, tạm cư, bồi thường, hỗ trợ và các vấn đề khác có liên quan.
Đối với các trường hợp đã phê duyệt phương án, bồi thường hỗ trợ nhưng người dân chưa nhận tiền bồi thường, hoặc không nhận tiền, còn kiến nghị, đề xuất, tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát phương án để xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Các trường hợp khi đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, nhưng vẫn không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, cố tình cản trở thì thực hiện phương án bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc đền bù giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Bình gấp rút giải quyết các tồn tại về hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng, điều kiện để tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương tăng cường nhân lực, phương tiện tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp " nhằm hoàn thành công tác tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện phương án tạm cư cho người dân để bàn giao mặt bằng cho dự án sớm nhất, nhưng phải bảo đảm đời sống, điều kiện sinh hoạt cho người dân…