“Chúng tôi điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 , các triệu chứng như sốt, đau họng, ho và nâng cao thể trạng. Việc quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải làm hết sức mình, đảm bảo được việc cách ly để tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài...”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - chia sẻ.
Ngày 23.3, Bộ Y tế xác nhận một nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiễm virus SAS-CoV-2. Đến thời điểm này, đây là bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2.
Vừa điều trị, vừa kêu gọi cộng đồng chung tay vượt dịch
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2 là ca bệnh số 116, nam, 29 tuổi, là bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Bệnh nhân tham gia chống dịch COVID-19 từ ngày 31.1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi mắc COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng. Đây là bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2 trong dịch COVID-19 đang diễn ra.
Trong quá trình làm việc, mặc dù bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, sau giờ làm việc bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
Ngày 19.3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20.3 bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21.3, bệnh nhân tự cách ly tại khu vực đệm của Khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Các nhân viên y tế cùng làm với bác sĩ đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21.3, tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trải lòng: “Việc có thể có nhân viên y tế bị nhiễm là điều đã được xác định trước. Nhóm y bác sĩ điều trị đã nhận định có nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nên chuẩn bị tinh thần từ trước và không do dự khi tiếp nhận bệnh nhân”.
Tinh thần ở “tuyến đầu” chống dịch COVID-19
Những ngày đầu phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều y, bác sĩ cũng có không ít băn khoăn, nhất là khi ở Trung Quốc đã có bác sĩ nhiễm loại virus này. Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là tinh thần dấn thân, sẵn sàng vào nơi nguy hiểm.
Cả bệnh viện hối hả chuẩn bị về hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, thực hành đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới, chuẩn bị cho các kịch bản quá tải bệnh nhân, chuẩn bị sẵn chỗ ăn ở cho người cách ly, cho nhân viên y tế.
Tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) gần như không có ngày nghỉ trong thời gian qua. Các y, bác sĩ căng mình đón bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 cần cách ly và điều trị. Khi mới xuất hiện số ít các ca nghi ngờ cần sàng lọc thì được tiếp đón tại khoa Cấp cứu, khi số ca tăng dần, toàn bộ diện tích các khoa được tăng cường dành tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Còn toàn bộ Khoa Cấp cứu tại cơ sở 2 trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Cũng theo bác sĩ Cấp, trên thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào đảm bảo giúp được nhân viên y tế miễn nhiễm 100%. Ví dụ, khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua. Nhân viên y tế đã tuyệt đối tuân thủ khử khuẩn, chăm sóc tại giường, quản lý mầm bệnh trong phòng cách ly. Về thuốc điều trị, bước đầu điều trị 3 bệnh nhân theo đúng phác đồ và đang tiến hành ghi chép để có thể cập nhật phác đồ điều trị tốt nhất”.
Trong quá trình điều trị, các nhân viên y tế gặp phải nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 tại phòng cách ly đặc biệt, nhân viên y tế phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ. Bộ quần áo bảo hộ, nhìn thôi đã thấy “ngốt”, huống hồ nhân viên y tế phải mặc nguyên mấy giờ đồng hồ, cơ thể bí bách.
Khó nhất là muốn đi vệ sinh cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo. Thông thường, nhân viên y tế sẽ đổi ca 8 giờ/lần và trong thời gian khoảng 4 giờ trực, họ sẽ được cởi bỏ đồ bảo hộ để ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh. Kỷ luật đến mức, ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay...
Nguy hiểm, khó khăn là vậy, nhưng như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định: “Chúng tôi luôn vững vàng tinh thần, sau khi một bác sĩ ở khoa này nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình làm việc. Các bác sĩ khi đã tiếp xúc với người bệnh thay phiên nhau trực. Bệnh viện chính là ngôi nhà của bác sĩ, thậm chí chúng tôi ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng”.
Cùng chung tinh thần, PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nơi có 2 nhân viên y tế đầu tiên mắc COVID-19 - đã chia sẻ: “Tôi nhận được nhiều tin nhắn lắm, mọi người nhắn hỏi có ổn không, có bị cách ly không... Không ai mong muốn mình bị bệnh, xin hãy mở rộng lòng, thông cảm và chia sẻ, hỗ trợ, đừng kỳ thị bởi chúng tôi là những chiến sĩ tuyến đầu cần được bảo vệ. Mong mọi người bình tĩnh, hãy sát cánh bên nhau, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của bệnh viện và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công và ngăn chặn được đại dịch.
Lệ Hà
Bác sĩ cấp cứu: "Chúng tôi chấp nhận nguy cơ bị nhiễm"
Người chỉ huy nhóm bác sĩ tuyến đầu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nói họ xác định trước nguy cơ bị nhiễm nCoVvà không do dự tiếp ... |
Bác sĩ Chợ Rẫy chi viện Tây Ninh
Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đêm 22/3 đến Tây Ninh phòng chống Covid-19, ngay trước khi địa phương ghi nhận hai ca bệnh. |
Bác sĩ khuyến cáo dân không tích trữ thuốc sốt rét
Nhiều người Việt đang tìm mua trữ thuốc chống sốt rét để trị Covid-19, tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo không nên bởi tự ý ... |