Thuỷ ngân có đặc tính hay vón lại thành một hạt to, và bốc hơi khi nhiệt độ tăng. Vì thế, quá trình xử lý đòi hỏi nhiều nguyên tắc khắt khe.
Vụ cháy lớn tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn đang khiến dư luận lo lắng trước tình hình thủy ngân gây ô nhiễm không khí.
Câu chuyện về tác hại thuỷ ngân trong vụ cháy cũng phát đi tín hiệu cảnh báo cẩn trọng với chính những đồ dùng tưởng như vô hại trong nhà. Đặc biệt là thiết bị y tế nhiệt kế.
Tại sao không nên dùng nhiệt kế thuỷ ngân?
Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD Kids Pediatric, TP. Irving, Texas, Hoa Kỳ) từ hai thập kỷ trước, ở Mỹ đã khuyến cáo chuyển từ nhiệt kế thuỷ ngân sang nhiệt kế điện tử. Nhiều trường đại học y khoa hay bệnh viện đã có chương trình đổi nhiệt kế thuỷ ngân sang nhiệt kế điện tử miễn phí.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng. Ảnh: NVCC. |
Nhưng vì sao khi đã ra đời hàng loạt các loại nhiệt kế điện tử nhưng nhiệt kế thuỷ ngân vẫn là sản phẩm thông dụng? Theo bác sĩ Hoàng Hưng, lý do nhiệt kế thuỷ ngân vẫn được sử dụng vì chính xác hơn nhiệt kế điện tử.
Như vậy không có nghĩa nhiệt kế điện tử không đáng tin cậy. Bởi hầu hết các nghiên cứu cho thấy nhiệt kế điện tử sai số không đáng kể, chỉ khoảng 0,11 độ C so với nhiệt kế thuỷ ngân. Cũng có vài nghiên cứu cho thấy sai số tới 0,35 - 0.37 độ C. Nhưng nhìn chung sai số của nhiệt kế điện tử không có ý nghĩa lớn về mặt lâm sàng.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác lại cho thấy cái dở của nhiệt kế điện tử là kết quả có thể cách nhau tới 0,5 độ C với hai lần đo liên tiếp. Vì thế, khi đo nhiệt kế điện tử nên đo 3 lần rồi lấy trung bình thì chính xác hơn.
Theo bác sĩ Hưng, nhiệt kế thuỷ ngân làm bằng thuỷ tinh và chứa 0,5-0,6 mg thuỷ ngân trong đó. Trẻ con thì hay quấy, sợ hãi, giãy dụa khi phải đo thân nhiệt dẫn đến nguy cơ bể, gãy nhiệt kế trong miệng, hậu môn và làm thuỷ ngân thoát ra môi trường xung quanh.
Lượng thuỷ ngân này không hấp thu qua da hay hay niêm mạc đường tiêu hoá đủ để gây nhiễm độc. Nhiễm độc thuỷ ngân chủ yếu qua đường hô hấp khi thuỷ ngân bốc hơi. Tại các bệnh viện ở Mỹ, tai nạn do nhiệt kế thuỷ ngân gây ra không hề hi hữu.
Bác sĩ Hoàng Hưng cho biết chính vì thế nên nhiệt kế tiêu chuẩn được sử dụng trong bệnh viện là nhiệt kế điện tử.
Nguyên tắc năm không khi xử lý thuỷ ngân
Khuyến cáo là như vậy, song việc thay đổi thói quen dùng nhiệt kế thuỷ ngân không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Vì thế người dân cần nắm rõ những khuyến cáo trong trường hợp không may làm bể nhiệt kế.
Theo đó, thuỷ ngân là kim loại nặng có thể gây độc tới hệ thần kinh và thận. Hoá chất này có đặc tính hay vón lại thành một hạt to, và bốc hơi khi nhiệt độ tăng. Bác sĩ Hoàng Hưng cho biết cần tuân thủ nguyên tắc "năm không":
- Không dùng máy hút bụi, vì sẽ làm hạt thuỷ ngân vỡ thành nhiều hạt nhỏ và bốc hơi do không khí nóng trong máy rồi phát tán.
- Không dùng chổi quét vì sẽ làm vỡ thành nhiều hạt nhỏ và phát tán chúng.
- Không bỏ thuỷ ngân vào cống nước, sẽ làm nhiễm độc nguồn nước và tắc đường cống.
- Không mang giày dính thuỷ ngân đi khắp phòng.
- Không mặc quần áo dính thuỷ ngân.