Bác sĩ cứu người

Trên mặt báo hay ngay trong câu cửa miệng của các bác sĩ, bệnh nhân và người nhà, họ đều dùng từ "cứu" một cách rất thoải mái. Tôi cứu bệnh nhân ấy, anh ấy cứu tôi, bác ấy đã cứu mẹ tôi, tôi đã thoát khỏi nguy kịch nhờ được bác ấy cứu chữa... Nghe rất nhân văn, bác sĩ cứu người - không ai nghi ngờ gì. Ngành y là phải cứu người, phải nhân văn, phải làm việc phúc đức. 

Trên mặt báo hay ngay trong câu cửa miệng của các bác sĩ, bệnh nhân và người nhà, họ đều dùng từ "cứu" một cách rất thoải mái. Tôi cứu bệnh nhân ấy, anh ấy cứu tôi, bác ấy đã cứu mẹ tôi, tôi đã thoát khỏi nguy kịch nhờ được bác ấy cứu chữa... Nghe rất nhân văn, bác sĩ cứu người - không ai nghi ngờ gì. Ngành y là phải cứu người, phải nhân văn, phải làm việc phúc đức.

Tuy nhiên, tôi xin đặt ngược lại vấn đề. Khi nghĩ rằng mình là người "cứu nhân độ thế" tức vô hình trung, ta đã đặt mình ở vị trí cao hơn người khác. Mình ở thế cao hơn, cứu họ cơ mà. Nếu còn nhiều nhân viên y tế có tư duy này, thì tôi e khả năng chuyên môn sẽ dừng lại ở đấy, thậm chí sẽ ngày càng thui chột. Tâm lý ban ơn thường rất dễ dẫn đến tự mãn, hách dịch, cửa quyền.

Tâm lý của những bác sĩ hay dùng từ "cứu người" thường là bác sĩ ở tuyến trên, khi có đầy đủ phương tiện trong tay và bệnh nhân thường đã trải qua một loạt các sai lầm của đồng nghiệp trước đó. Vậy nên họ rất hay sử dụng tính chất bắc cầu, ông A không chữa được cho bệnh nhân mà tôi "cứu" được, đương nhiên là tôi giỏi hơn ông A rồi. Họ cũng đã không đặt địa vị mình vào hoàn cảnh và thời điểm của ông A khi tiếp nhận bệnh nhân.

Xin kể một câu chuyện cách đây đã lâu. Khi đồng nghiệp của tôi phát hiện trường hợp máu tụ dưới màng cứng trong não của một bệnh nhân rất lớn tuổi đã khám ở chỗ một vị giáo sư rất nổi tiếng nhưng bị bỏ sót. Bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Kể từ đó đồng nghiệp kia kể mãi câu chuyện này với một mặc định "ngầm" là mình có chuyên môn giỏi hơn vị giáo sư nọ. Và cuộc sống vẫn cứ trôi đi. Với cái tâm lý "tự sướng" ấy, tài năng của đồng nghiệp tôi không bao giờ phát huy được cho đến tận lúc về hưu.

Nhiều lần tôi ngẫm nghĩ, có gì đó hơi lấn cấn ở đây. Khi một bác sĩ dùng từ "chữa bệnh" chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn "cứu người". Đặc biệt trong giai đoạn "vàng thau lẫn lộn" hiện nay, nhiều cái sự cứu người lại xuất phát từ lỗi ban đầu của chính "người cứu" gây ra.

Chính vì vậy, trong đơn vị của mình, chúng tôi rất ít khi sử dụng động từ "cứu". Bạn được phân công ở vị trí ấy, được trang bị kiến thức, trao phương tiện đầy đủ là để thực hiện nhiệm vụ chữa khỏi cho bệnh nhân. Không có bạn thì bác sĩ khác cũng sẽ làm được và có khi còn làm tốt hơn. Ngành Y tế được định nghĩa là ngành dịch vụ có sứ mệnh cứu chữa, chăm sóc các vấn đề về sức khỏe, bảo vệ sự sống cho mọi người.

Nhưng không phải ngành Y hoàn toàn "tẩy chay" từ "cứu người". Từ này nên dành cho người ở tuyến y tế cơ sở, khi các phương tiện hết sức thô sơ, tình huống bệnh lại nặng, cần cấp cứu tối khẩn. Nhưng nhờ sự quyết tâm, nhiệt tình cùng với sự thông minh và nhanh trí của mình, các nhân viên y khoa đã giành giật lại sự sống mong manh cho bệnh nhân. Khi đó, họ mới xứng đáng nhận mỹ từ ấy.

Ví như các bác sĩ ở Thái Bình năm 2013. Thai phụ tại huyện Vũ Thư bất ngờ chảy máu dữ dội tại nhà, nghi bị vỡ khối thai ngoài tử cung. Vì không còn thời gian di chuyển, ca mổ hy hữu được các bác sĩ thực thi ngay tại nhà chị. Hai bàn nước được chồng lên nhau làm bàn mổ. Họ phẫu thuật trong suốt hai giờ, khi thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ, không đủ ánh sáng và điều kiện vô trùng, phải huy động người nhà bệnh nhân tiếp máu. "Chúng tôi phải dùng phương pháp bóp bóng thay cho máy thở, dùng gạc thấm máu trong bụng bệnh nhân rồi vắt ra chậu vì không có máy hút máu", bác sĩ Lê Hải Dương kể lại. Đó là cứu người.

Hay như tháng 8 vừa qua, bác sĩ Trần Văn Hùng, 44 tuổi, Trạm Y tế xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An tuy không cứu người trên bàn mổ nhưng đã dũng cảm lao xuống lũ dữ cứu người trong đêm. Còn nhiều nhiều lắm những hình ảnh đẹp của nhân viên y tế Việt Nam. Nhưng người thực sự làm được những việc hết sức ý nghĩa đó lại chẳng mấy quan tâm hành động của mình được gọi tên là gì.

Ngoài ra, còn phải kể đến những phát minh, sáng tạo, sự cải tiến ra các phương pháp mới để chữa các bệnh hiểm nghèo hoặc phức tạp... của bao nhiêu nhà y học. Bao nhiêu con người đang ngày đêm trong phòng kín không thấy mặt trời để cho ra đời một phát hiện mới. Đó là những hành động không chỉ cứu một người mà là muôn người.

Cuối cùng, mỹ từ này còn có thể dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng nhân viên y tế. Họ là những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng giang tay cứu giúp những ai đang trong khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng.

Sự khiên tốn và chân thành không làm nên một bác sĩ vĩ đại, nhưng hai nhân tố giản dị ấy lại là điều kiện cần để các bác sĩ có khả năng thực sự cứu người.

Nguyễn Lân Hiếu