Bác sĩ cảnh báo những biến chứng khó lường khi phẫu thuật căng da mặt

Phẫu thuật căng da mặt không nguy hiểm, tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp biến chứng, thậm chí thiệt mạng do gây mê, tê, sốc thuốc, chảy máu.

Lo ngại làn da xuống cấp nhanh chóng, không ít chị em tìm đến các phương pháp thẩm mỹ với mong muốn chống lại sự lão hóa, giữ gìn nét xuân. Vì vậy, ngoài việc sử dụng các loại mỹ phẩm cung cấp collagen, phương pháp thẩm mỹ căng da mặt cũng được rất nhiều phụ nữ ưa chuộng.

Phẫu thuật căng da mặt là gì?

BSCKI Trần Công Luận, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết phẫu thuật căng ra mặt là phương pháp thường được chị em lựa chọn cuối cùng sau khi trải nghiệm qua các biện pháp như dùng mỹ phẩm, laser, tiêm chất làm đầy,... Đây là biện pháp có hiệu quả cao trong tạo hình thẩm mỹ mặt.

Bác sĩ Luận cho hay có nhiều kỹ thuật căng da mặt nhưng phổ biến nhất là căng da mặt toàn bộ có và không có kết hợp căng cân cơ nông.

Kỹ thuật căng da mặt toàn bộ không kết hợp căng cân cơ nông: Sau khi vô cảm (gây mê, tê), phẫu thuật viên tiến hành rạch da từ thái dương xuống trước tai, sau đó vòng ra sau tai. Tiếp theo, bóc tách lớp da mặt thường 6-8 cm ở vùng trước tai và 5 cm ở vùng dưới tai. Cuối cùng, kỹ thuật viên kéo căng vùng da bóc tách, cắt bỏ da thừa và khâu lại vết mổ.

bac si canh bao nhung bien chung kho luong khi phau thuat cang da mat
(Ảnh: Megalindas)

Kỹ thuật căng da mặt toàn bộ có kết hợp căng cân cơ nông: Tương tự, kỹ thuật viên bóc tách cân cơ nông. Đường cắt bóc tách lớp cân cơ nông thường song song dưới cung gò má và dọc theo trước tai đến điểm cuối dưới bờ dưới xương hàm khoảng 5 cm.

Hướng bóc tách thường theo cơ gò má lớn, có thể đến rãnh mũi, má. Đây là lớp bóc tách rất quan trọng, dễ tổn thương các nhánh dây thần kinh mặt nên cần phẫu thuật viên có tay nghề cao. Sau khi bóc tách, kỹ thuật viên tiến hành kéo căng lớp cân cơ nông, cắt bỏ phần dư thừa và khâu lại.

Bệnh nhân cần khoảng 10 ngày để bình phục trở lại. Vùng da mặt đuợc bóc tách có thể bị tê, giảm cảm giác. Chúng sẽ hồi phục hoàn toàn sau 2-3 tháng.

Hiệu quả phẫu thuật căng da mặt chính xác về đối tượng và thực hiện đúng kỹ thuật sẽ làm cho bệnh nhân có diện mạo trẻ lại khoảng 10-15 tuổi. Kết quả được duy trì khoảng 10 năm. Nếu bệnh nhân có nhu cầu sẽ tiếp tục căng lại sau khoảng thời gian này.

Biến chứng thường gặp khi phẫu thuật căng da mặt

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), biến chứng của phẫu thuật căng da mặt không nhiều. Nguy hiểm nhất là biến chứng tổn thương dây thần kinh mặt, gây liệt một vùng cơ mặt. May mắn, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Theo những thống kê trên thế giới, tỷ lệ tổn thương dây thần kinh mặt là 0,7-0,9%.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội), cho biết phương pháp thẩm mỹ này chỉ can thiệp vào da và lớp cân SMAS làm căng da mặt và cải thiện về tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp biến chứng, thậm chí thiệt mạng do gây mê, tê, sốc thuốc, chảy máu,... Chảy máu nhiều có thể gây phù nề vùng cổ, mặt. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp có thể suy hô hấp.

bac si canh bao nhung bien chung kho luong khi phau thuat cang da mat
(Ảnh: Plastichno)

Liệt một vùng cơ mặt: Trong phẫu thuật căng da mặt, trán, thái dương, nhánh trán của dây thần kinh mặt có thể bị tổn thương làm bệnh nhân không thể nhướng mày, cung mày sa thấp và mất nếp nhăn trán. Nhánh cằm bị liệt làm lệch môi dưới gặp trong phẫu thuật căng da mặt, cổ.

Tụ máu: Tụ máu trong vùng mổ cũng có thể xảy ra khi căng da mặt. Bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng đông máu, kiểm soát huyết áp của bệnh nhân trước mổ và giữ yên tĩnh sau mổ để tránh gặp phải biến chứng này. Trong quá trình mổ, bác sĩ phải cầm máu tốt. Kết thúc phẫu thuật, kỹ thuật viên cần đặt dẫn lưu tích cực và băng ép kỹ càng.

Bầm máu dưới da: Bầm máu dưới da nhiều và kéo dài rất hiếm. Biến chứng này gặp trên những người có thành mạch máu yếu, dễ vỡ. Các vết bầm sẽ tự phai sau 7-10 ngày. Để giảm những biến chứng chảy máu, bệnh nhân không nên uống các chất có tính chống đông máu như aspirin ít nhất là 15 ngày trước mổ.

Hoại tử da: Da có thể bị hoại tử ở một vùng, thường tại má hoặc sau tai. Biến chứng này hiếm gặp. Chúng thường xuất hiện trên vùng da mặt có tổn thương trước đó như tiêm silicone lỏng hoặc người hút thuốc lá nhiều. Người nghiện thuốc lá phải cẩn trọng khi áp dụng biện pháp làm đẹp này bởi những mạch máu nuôi da bị teo nhỏ và xơ hóa. Họ phải ngưng hút thuốc ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật.

Sẹo mổ giãn rộng: Đây cũng là một biến chứng, xảy ra chậm nhưng mất thẩm mỹ. Giãn sẹo có thể gặp trên một số người tố chất da kém chắc, thiếu đàn hồi. Tuy nhiên, thường do phẫu thuật viên chỉ kéo căng da mà không ở lớp cân mạc sâu bên dưới. Da không chịu được lực căng, từ từ giãn ra, kết quả để lại là một vết sẹo rộng gần bằng phần da đã bị cắt đi.

Sẹo lồi: Sẹo lồi do cơ địa của từng người. Đây là tình trạng tồi tệ mà phẫu thuật viên cũng như người được mổ đều không mong muốn. Bạn cần kiểm tra kỹ cơ địa sẹo lồi của mình để tránh tình huống xấu xảy ra. Vết sẹo phải được theo dõi sát sau mổ.

/ vtc.vn