Bắc Bộ "ba sôi hai lạnh" đang nắng cháy đổ mưa dông có gì bất thường?

Thời gian qua, nhiều ngày thời tiết miền Bắc ẩm ương "ba sôi hai lạnh". Trời đang nắng gắt chói chang bỗng đổ mưa dông . Trước xu thế thời tiết cực đoan trong nửa đầu năm 2019, đây có phải một hiện tượng bất thường.

bac bo ba soi hai lanh dang nang chay do mua dong co gi bat thuong
Ảnh minh hoạ: msn.vn.

Về diễn biến thời tiết ẩm ương nắng nóng đỉnh điểm xen kẽ mưa dông gió lốc, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra những phân tích, nhận định về vấn đề này.

bac bo ba soi hai lanh dang nang chay do mua dong co gi bat thuong
Ông Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: soha.vn.

Thưa ông, Bắc Bộ vừa trải qua một nắng nóng khắc nghiệt nhưng điều đặc biệt là thời tiết giữa mùa hè lại ẩm ương. Ngày đang nắng chói chang chiều đổ mưa dông gió lốc. Đây có phải hiện tượng thời tiết bất thường hay không, thưa ông?

- Nếu xét về mặt quy luật thì hiện tượng mưa dông lốc sau nhiều ngày nắng nóng thì đây là hiện tượng không trái quy luật mà nó là hệ quả của nhau.

Khi khối không khí nóng hoạt động mạnh, sẽ làm lượng hơi nước bốc lên nhiều và đối lưu sẽ phát triển mạnh và hệ quả của nó sẽ là những cơn mưa rào và dông mạnh hay xảy ra về chiều và tối.

Tuy nhiên tần suất của những cơn mưa dông nếu xảy ra nhiều và những hiện tượng siêu dông, như trận siêu dông xảy ra ở Hà Nội vào chiều ngày 13.6.2016 thì hiện tượng dông lốc mạnh và nhiều lại là một hiện tượng bất thường và cực đoan.

Chính từ nguyên nhân nắng nóng mà hệ quả là có thể xảy ra dông lốc mạnh nên người dân cũng cần hết sức lưu ý. Sau những ngày nắng nóng có khả năng xảy ra các trận dông, lốc mạnh, thậm chí là siêu dông.

Thực tế việc mưa dông gió lốc đợt vừa qua đã gây sạt lở và lũ quét ở khu vực miền núi phía Bắc. Lũ quét lũ ống đến vào tháng 6 có phải là đến sớm hơn so với mùa bão lũ hàng năm hay không, thưa ông?

- Lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố và thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi với các đặc điểm thuận lợi để hình thành. Ví dụ như mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn nhất là các lưu vực có độ dốc lớn độ ổn định của lớp đất mặt yếu do quá trình phong hoá mạnh.

Mùa mưa lũ ở Bắc Bộ tập trung từ tháng 6-10, đây là thời kỳ thường có nhiều đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất rất cao tại các tỉnh vùng núi trong thời điểm này.

Đợt mưa, lũ quét tại Lai Châu Châu ngày 24.6.2019 xảy ra trong trong tháng đầu của mùa mưa lũ. Tương tự thời kỳ này năm 2018, mưa lớn gây sạt lở đất đã xảy ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, nghiêm trọng nhất tại Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên vào 23-24.6.2018.

Vùng Tây Bắc đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An có nguy cơ trượt lở đất đá cao đến rất cao. Tai biến trượt lở đất đá thường xảy ra và gắn liền với các thiên tai lũ, lũ quét đặc biệt hay xảy ra dọc các đường giao thông, các khu vực tập trung dân cư ven sông, ven suối.

Mùa mưa bão năm 2019, khu vực vùng núi phía Bắc đặc biệt khu vực Tây Bắc tiếp tục là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trước diễn biến thời tiết thiên tai cực đoan như vậy, ông có khuyến cáo gì đến người dân?

- Với tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ có xu hướng ngày càng gia tăng.

Vì thế để hạn chế ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, các cấp chính quyền ở các địa phương cần xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai cụ thể ở địa phương, các biện pháp quy hoạch đường phố, nhà ở, cây xanh tại các khu vực dân cư.

Người dân cần chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan bằng cách xây nhà ở kiên cố đúng với quy hoạch của chính quyền địa phương, sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt tiết kiệm hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

/ laodong.vn