Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng chính phủ Thái Lan phớt lờ quy định pháp luật khi tịch thu và bán tài sản của bà.
Trong bài đăng trên Facebook hôm 16/12, cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck cho biết bà rất buồn khi bị chia cắt với con trai, gia đình và người ủng hộ cũng như tài sản bà kiếm được trước khi trở thành thủ tướng.
"Nhà của tôi bị chính phủ hiện nay tịch thu và các tài sản lần lượt bị Cục Hành pháp đem bán. Tôi đã áp dụng tất cả thủ tục pháp lý để giành lại tài sản nhưng không thể ngăn những viên chức làm việc không màng đến pháp luật, theo Điều 44 Hiến pháp lâm thời năm 2014", bà viết.
Điều 44 quy định tất cả các mệnh lệnh từ hội đồng tướng lĩnh nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đối với những vấn đề được cho là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh, kinh tế hay nền quân chủ của Thái Lan đều là "hợp hiến, hợp pháp và cao nhất".
"Prayut Chan-ocha đã sử dụng Điều 44 từ khi ông nắm quyền và đẩy Thái Lan vào tình trạng quân quản. Cho đến bây giờ, Điều 44 vẫn có hiệu lực và những viên chức đó không quan tâm rằng họ không thể bán tài sản của tôi trừ khi tôi bị Tòa Hành chính phán quyết thua kiện".
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters. |
Bà Yingluck, em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng đang sống lưu vong, nói rằng việc bà bị hạ bệ không giống các lãnh đạo khác trong lịch sử và "đặt đặc quyền của Điều 44 lên trên phán quyết của tòa án là bất hợp pháp" và hủy hoại các quyền tự do cơ bản của người dân.
"Tôi đã đấu tranh giành mọi tài sản, kể cả tài sản do cha mẹ để lại, nhưng tôi không thể giữ lại dù chỉ một món đồ. Mỗi lần nghe nói tài sản của mình đã bị bán, tôi đều rất đau lòng", bà Yingluck viết, nhấn mạnh rằng bà sẽ không bị mắc kẹt trong quá khứ vì có nhiều người đặt hy vọng vào bà.
Yingluck trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2011 và bị phế truất sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 do tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha, người hiện là Thủ tướng Thái Lan, lãnh đạo. Bà sống lưu vong từ năm 2017 để tránh cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách hàng tỷ USD.
Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan xét xử vắng mặt và tuyên 5 năm tù đối với bà Yingluck. Cựu thủ tướng Thái Lan gọi những cáo buộc nhằm vào bà mang động cơ chính trị. Hồi tháng 9, truyền thông đưa tin bà Yingluck đã được cấp quốc tịch và hộ chiếu Serbia.
Huyền Lê (Theo Straits Times) 18/12/2019, 08:59 (GMT+7)
Có hộ chiếu Serbia, bà Yingluck Shinawatra được đến hơn 100 nước không cần thị thực
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được cấp tư cách công dân của Serbia, được quyền đi tới hơn 100 nước không cần xin ... |
Anh em nhà Shinawatra lại gây xáo động Thái Lan
Việc 2 cựu thủ tướng lưu vong nhà Shinawatra liên tục xuất hiện gần đây được cho là nhằm tạo tác động trước thềm cuộc ... |
Lý do sau việc Thái Lan cần cung cấp chi tiết vụ bà Yingluck bỏ trốn với Anh
Anh cũng như cộng đồng quốc tế cần nhiều thông tin chi tiết về mục tiêu của Bangkok khi đề nghị trục xuất cựu Thủ ... |